Thứ bảy 21/12/2024 18:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tạo lập thị trường để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển

21:27 | 07/10/2024

(Xây dựng) - Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Để hiện thực hóa cơ hội, điều quan trọng là phải tạo lập thị trường thông qua các công cụ về chính sách thuế. Khi công nghiệp ô tô phát triển, công nghiệp hỗ trợ cho ngành này sẽ phát triển theo.

Tạo lập thị trường để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển
Hiện cả nước có hơn 210 doanh nghiệp tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô. (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên nấc thang cao hơn

Vượt qua hơn 200 doanh nghiệp ứng tuyển, CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech là 1 trong 7 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô của Bộ Công Thương và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Dự án).

Chia sẻ tại Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long cho biết, việc tham gia dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, Toyota Việt Nam đã cử chuyên gia thực chiến đến hiện trường, nghiên cứu, đánh giá để đưa ra phương án cho CNCTech. Ngược lại, CNCTech đã cử chuyên viên sang Toyota học về quản lý, quản trị, sau đó hai bên cùng nhau xây dựng và thực hiện các hoạt động trong sản xuất kinh doanh. Kết quả, hệ thống của CNCTech đã vận hành tinh gọn hơn nhiều; tối ưu hóa về nguồn lực con người, diện tích nhà xưởng, giảm tỷ lệ tồn kho. Ước tính, doanh nghiệp đã giảm lãng phí khoảng 800 triệu đồng/tháng so với trước khi tham gia dự án.

Quan trọng nhất, khi được Toyota đào tạo, ý thức của người lao động cũng như lãnh đạo doanh nghiệp đã có sự đổi mới, sẵn sàng thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, cung cấp linh kiện cho các công ty hàng đầu thế giới, ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Tương tự, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kimsen cũng được lựa chọn tham gia Dự án từ tháng 9/2022. Sau 6 tháng triển khai, ông Dương Minh Hải, Giám đốc sản xuất cho biết, công ty đã tiết kiệm hơn 800 m2 nhà xưởng, năng suất tăng 15%, tồn kho các công đoạn giảm 28%, loại bỏ được các thao tác di chuyển, thao tác thừa của công nhân.

Ông Hải cho biết thêm, hiện, các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm linh kiện trong công nghiệp hỗ trợ ô tô ngày càng cao hơn để đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Chẳng hạn, với các đơn đặt hàng từ châu Âu, Mỹ, yêu cầu cơ tính của linh kiện nhôm sản xuất ra phải cao hơn 20% so với tiêu chuẩn hiện hành. Chính việc tham gia Dự án đã giúp nhận thức của toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động thay đổi, sẵn sàng đề nghị các ý tưởng cải tiến để nghiên cứu, áp dụng nâng cao năng suất chất lượng, giảm lãng phí, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu ngày càng cao của đối tác.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia Dự án đã có thay đổi rõ rệt về chất lượng, khi chuyển dần từ sản xuất linh kiện hàm lượng công nghệ thấp tiến lên nấc thang cao hơn, đáp ứng đòi hỏi của công nghiệp liên quan sản xuất các dòng xe mới. Ngoài ra, trình độ quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp cũng nâng lên, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã áp dụng thành thục các tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

“Có những đơn vị đã giảm tồn kho tới 59%; tiết kiệm gần 4.000 m2 diện tích nhà xưởng, đồng nghĩa tiết kiệm chi phí; có đơn vị tăng năng suất tới 70%...”, ông Hiếu thông tin.

Những kết quả từ Dự án mang lại đã minh chứng rõ cho những nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Bộ Công Thương cũng như các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ đầu ra

Theo các chuyên gia, thị trường ô tô tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, với quy mô dân số trên 100 triệu dân, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN; thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức mô tô hóa (3.000 USD/người/năm; trong khi năm 2022 thu nhập bình quân đạt 4.100 USD).

Bên cạnh đó, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định; tỷ lệ dân số trẻ cao; tỷ lệ sở hữu xe ô tô thấp so với tổng dân số (55 xe/1.000 người); hạ tầng đường cao tốc phát triển nhanh và phủ khắp… đang tạo ra những cơ hội cho thị trường ô tô phát triển, đồng nghĩa cũng tạo cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô phát triển theo.

Bộ Công Thương cho biết, ước tính cả nước hiện có khoảng trên 210 doanh nghiệp tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở dịch vụ sửa chữa ô tô, trong đó có kết hợp sản xuất chế tạo một số loại linh kiện lẻ bằng kim loại phục vụ sửa chữa thay thế và các cơ sở thương mại kinh doanh linh kiện, phụ tùng ô tô. Dù vậy, đây vẫn là mức phát triển chậm so với tiềm năng cũng như yêu cầu.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bảo đảm đóng góp, nâng cao hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường nội địa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp tô tô toàn cầu, mở rộng, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu trên cơ sở bảo đảm đáp ứng các yêu cầu mới… Để đạt mục tiêu, dự thảo chiến lược cũng xác định thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà cung cấp khi đầu tư khuôn và đồ gá; sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về công nghiệp hỗ trợ ưu tiên theo hướng giải quyết vấn đề cụ thể của từng ngành hàng; sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP (NĐ26), sửa đổi mở rộng cho các đối tượng là các nhà sản xuất linh kiện phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi khi trực tiếp hoặc gián tiếp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ cho mục đích sản xuất, gia công linh kiện, phụ tùng ô tô.

Xác nhận khó khăn hiện nay là về vấn đề nguyên liệu, ông Dương Minh Hải thông tin, hầu hết nguyên liệu trong ngành nhôm là nhập khẩu. Doanh nghiệp muốn nghiên cứu, thử nghiệm thay đổi thành phần kim loại để đạt chất lượng mong muốn là rất khó khăn, do đó mong cơ quan quản lý có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này.

Cùng với đó, ông Hải đề xuất có thêm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối khách hàng, đặc biệt là khách hàng quốc tế để mở rộng đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, tổ chức thêm nhiều chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng linh kiện ngành ô tô là rất lớn, khi ô tô cần đến gần 30.000 linh kiện khác nhau, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, điều khó là các doanh nghiệp phải lựa chọn được linh kiện phù hợp với năng lực cạnh tranh của mình. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, không chỉ với nhà cung ứng trong nước mà cả với các nhà cung ứng quốc tế, hàm ý các các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Cũng theo đại diện VAMA, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần bảo đảm về đầu ra. Trong ngành ô tô, đó không chỉ là sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam mà còn phải xem xét đến khả năng xuất khẩu. Để khơi thông đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng như công nghiệp ô tô, cần có chính sách tạo lập thị trường, thông qua các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ… Khi đã tạo lập được thị trường sẽ thúc đẩy cả ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô phát triển.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load