(Xây dựng) - Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển, là nguồn lực to lớn của đất nước. Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai.
Sửa đổi Luật Đất đai: Giá đất có ý nghĩa đột phá.
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đạt kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng đất đai, đặc biệt dùng vào phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở, đô thị, thị trường BĐS, tăng nguồn thu cho ngân sách… Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, do còn bất cập về thể chế nên việc sử dụng đất lãng phí lớn, hiệu quả thấp. Tình trạng tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều.
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương (Khoá XIII) “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” là đường lối cơ bản, đổi mới, định hướng lớn về sự cần thiết phải sửa đổi Luật quan trọng này. Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - vừa kết thúc giai đoạn lấy ý kiến rộng rãi vào ngày 15/3/2023 - có 16 chương, 245 điều. Theo đó, giữ nguyên 28 điều, bỏ đi 8 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều và bổ sung 41 điều là một bước đổi mới căn bản, toàn diện, đầy đủ, bảo đảm tính khả thi cao.
Trong nhiều nội dung lớn về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, đáng quan tâm và là vấn đề mang tính đột phá là giá đất. Trước đây, giá đất do UBND cấp tỉnh định đoạt theo khung giá đất mang tính áp đặt, thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Đó là bất cập lớn nhất của chính sách về đất đai, đã đến lúc phải “cởi trói”, gỡ “nút thắt” làm “nghẽn” trong quản lý, khai thác nguồn lực to lớn này. Cần bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo thay đổi căn bản về các vấn đề chính sách, pháp luật về đất đai. Đồng thời, phải sửa đổi Luật Giá, Luật Đầu tư, Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, bảo đảm sự đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi)...
Kim Quốc Hoa
Theo