(Xây dựng) - Phong thủy, thực chất là khoa học khai thác địa hình địa vật, quy hoạch thiết kế… để tận dụng tác động của Sinh khí và hạn chế ảnh hưởng của Sát khí đối với con người. Vậy Sinh khí và Sát khí là gì?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Khí là yếu tố căn bản của phong thủy. Trong Khí lại có Thiên khí và Địa khí, có người còn thêm cả Nhân khí. Lại có Dương khí và Âm khí, Thực khí và Nguyên khí… Tuy nhiên, để dễ hiểu và tiện theo dõi, chúng tôi chỉ đề cập đến cặp phạm trù cơ bản trong phong thủy là Sinh khí và Sát khí; bởi suy cho cùng, các loại Khí khác đều có thể quy vào hai loại Khí này và đây cũng chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và đời sống con người.
Sinh khí, hiểu nôm na đó là loại khí lành, hài hòa, tiếp năng lượng tích cực cho con người, làm cho con người lạc quan, hưng phấn, khỏe khoắn, yêu đời, làm việc hiệu quả, vạn vật phát triển, sinh sôi nảy nở… Còn Sát khí thì đối nghịch lại, là luồng khí dữ, mạnh, tác động tiêu cực đối với con người và môi trường, làm cho con người rơi vào trạng thái mất cân bàng, tâm trạng u uất hoặc trạng thái bực tức, nóng nảy…
Có người lại căn cứ vào cảm nhận của các giác quan để phân chia các loại Khí. Đối với Sinh khí thì có:
Sinh khí thị giác: Không gian cảnh quan hòa vào thiên nhiên với cỏ cây hoa lá, nội thất sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, màu sắc hài hòa…
Sinh khí thính giác: Như tiếng nước chảy róc rách, chim hót líu lo, bản nhạc du dương. Hoặc có thể là nơi tĩnh lặng, yên ả đối với người thích tìm nơi vắng vẻ để thư giãn. Hoặc cũng có thể là điệu nhảy cuồng nhiệt đối với giới trẻ hiếu động…
Sinh khí xúc giác: Như vuốt ve thú cưng có bộ lông mượt như nhung, hay tắm nước ấm, massage hoặc thậm chí như một nụ hôn hay sự ôm ấp…
Sinh khí khứu giác: Hương hoa, mùi nước hoa, nến thơm và mùi thức ăn kích thích khứu giác.
Sinh khí vị giác: Bữa ăn nấu ở nhà, sôcôla, rượu hợp khẩu vị làm bạn thấy hứng thú…
Và, nếu con người có giác quan thứ sáu thì cũng có loại Sinh khí thứ sáu huyền bí, trừu tượng, tạm gọi là cảm giác. Chẳng hạn như niềm vui, phấn khởi khi sắp được tăng lương hay thăng chức. Là rung cảm trước lời tỏ tình hay hạnh phúc khi đang yêu, khi giúp đỡ người khác…
Tương tự như vậy, Sát khí cũng có Sát khí thị giác: Như luồng ánh sáng quá mạnh, màu sắc quá chói, trời tối om, sự hỗn loạn, chứng kiến cảnh bạo lực, chết chóc, nhìn xuống đất từ độ cao quá lớn…
Sát khí thính giác: Tiếng ồn quá lớn, tiếng khoan cắt bê tông, tiếng mắng mỏ, tranh cãi, trẻ em gào thét, thường là âm thanh có tần số cao…
Sát khí xúc giác: Như mặt đất gồ ghề, chạm phải vật thô ráp, nhầy nhụa nhớp nhúa, đi trên một chiếc cầu hay cầu thang ọp ẹp. Thậm chí còn là sự quấy rối tình dục, xâm phạm thân thể…
Sát khí khứu giác: Là mùi hóa chất độc hại, khói bụi ô nhiễm, mùi ẩm mốc, mục nát, thậm chí là mùi hoa hay nước hoa quá nồng nặc…
Sát khí vị giác: Như các món ăn, gia vị không hợp khẩu vị gây khó chịu…
Và, đã có Sinh khí thứ sáu thì cũng có Sát khí thứ sáu. Đó là cảm giác “rợn tóc gáy”, “nổi da gà” khi đi đêm qua nơi vắng vẻ, bãi tha ma. Hoặc cảm giác bồn chồn lo lắng, cảm giác có người theo dõi, nhìn trộm từ phía sau… Có người cho rằng, Sát khí thứ sáu còn là sự tức giận, căm ghét và ghen tỵ, đố kị…
Tuy nhiên, cần lưu ý là các loại Khí phân chia theo cảm nhận của các giác quan nói trên chỉ mang tính tương đối. Bởi trong thực tế, màu sắc rực rỡ là Sát khí đối với người này nhưng lại là Sinh khí đối với người khác. Hay có người thích vị cay, đắng nhưng có người lại thích chua, ngọt; có người thích nơi tĩnh lặng vắng vẻ nhưng có người lại thích đến chốn ồn ào náo nhiệt…
Mặt khác, các loại Khí cũng có thể chuyển hóa cho nhau. Một luồng Khí quá mạnh trở thành Sát khí nhưng nếu làm cho nó di chuyển chậm lại, hài hòa như sử dụng án sơn, bình phong… thì nó lại trở thành Sinh khí. Ngược lại, một luồng Khí lành nhưng vấp phải môi trường bừa bộn nó sẽ di chuyển hỗn độn, thành luồng Khí xoáy và khi đó nó lại là Sát khí.
Chính vì vậy, công việc của phong thủy chính là đón lành, ngăn dữ, hóa giải Khí dữ thành Khí lành để mang lại sức khỏe, hạnh phúc và thành công cho người cư ngụ.
Tuệ Linh
Theo