(Xây dựng) - Hội đồng thành viên Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC) đã ra Nghị quyết trình Hội đồng quản trị SHB đề xuất thông qua Đại hội đồng cổ đông về việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.
Đây được xem là bước đi chiến lược, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SHBFC tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại và chuyên nghiệp của các tổ chức này để đưa vị thế SHBFC trong nhóm dẫn đầu thị phần trên thị trường; phát triển đúng định hướng chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu của SHB. Đặc biệt, việc thoái vốn này cũng sẽ đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng tầm SHB lên một vị thế mới.
Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Đây cũng là lý do các tập đoàn tài chính nước ngoài thường xuyên để mắt tới và tích cực rót vốn vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt trong thời gian qua.
Việc thoái vốn SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường và với hoạt động của công ty hiện nay theo Đề án thành lập Công ty SHBFC đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trước đó, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.
SHB đánh giá, khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại, chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến của các tổ chức này sẽ hỗ trợ SHBFC bứt phá, cạnh tranh thị phần với những đối thủ khác. Ngoài lợi ích về kinh nghiệm của đối tác nước ngoài, SHB cũng dự kiến thu được lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài
SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn - một trong những công ty được cấp vốn cao nhất trên thị trường. Trước thời điểm sáp nhập, SHBFC tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Vietel - một công ty tài chính tốt và lành mạnh trên thị trường. Do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Công ty này đã lựa chọn SHB là đối tác chính trong việc sáp nhập.
Mặc dù mới đi vào hoạt động chính thức được gần 2 năm, song SHBFC đã có những kết quả đáng tự hào so với các công ty cùng "tuổi đời" trong ngành. Năm 2019, tổng tài sản của SHBFC đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,75 lần so với năm 2018. Trong đó, dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2018. Lợi nhuận đạt gần 107 tỷ đồng. Lượng khách hàng tiếp cận đạt trên 460.000 người sau gần 20 tháng triển khai bán hàng toàn diện. Tỷ lệ nợ xấu ở mức tốt so với mức trung bình trên thị trường. Mạng lưới kinh doanh tại 34 tỉnh thành trọng điểm. Hoạt động huy động vốn có kết quả tốt, cơ cấu vốn bền vững với chi phí vốn hợp lý.
Năm 2019, SHBFC đã huy động được 1.800 tỷ đồng giấy tờ có giá từ 14 tổ chức đầu tư chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức tín dụng. Năm 2019, SHBFC đã xây dựng và làm chủ hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư bài bản, tỷ lệ tự động hóa cao trong ngành tài chính tiêu dùng, đạt 65% trong quy trình end-to-end. Hiện tại, tổng tài sản của SHBFC chỉ chiếm dưới 1% tổng tài sản hợp nhất của SHB.
Năm 2019, SHB đã đạt kết quả tăng trưởng tích cực với lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%. Việc SHB đã mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn và từ đó SHB đã hội đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong quý I/2020, SHB đã thực hiện hoàn thành việc chia cổ tức tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018 theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông. Cổ tức SHB năm 2019 chưa chia được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào quý III/2020 theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngay từ đầu năm 2020, Hội đồng quản trị SHB đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới thống nhất thành lập và triển khai 03 ban dự án chiến lược bao gồm: Ban dự án chiến lược phát triển ngân hàng, Ban dự án hiện đại hóa ngân hàng và Ban dự án tái cấu trúc quản trị và quản lý điều hành nhằm định hướng chiến lược phát triển khác biệt và bền vững trong trung và dài hạn của ngân hàng cũng như chiến lược hiện đại hóa ngân hàng hướng tới ngân hàng số.
Thông qua việc thoái vốn SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài cùng các dự án chiến lược phát triển, mục tiêu SHB hướng tới là một ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu Việt Nam đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, vươn tầm khu vực và thế giới.
Huyền Nhi
Theo