(Xây dựng) - Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 trong đó ghi nhận nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng tăng trưởng ấn tượng so với năm 2019 và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Trong đó, riêng quý IV, SHB đạt 805 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, SHB đạt 3.412 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12,8% so với năm 2019.
Hoàn thành trước hạn cơ bản các tồn đọng trong đề án sáp nhập Habubank giai đoạn 2016-2020 |
Trong năm 2020, bên cạnh việc đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, SHB vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng bền vững. Mặt khác, SHB tăng cường công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng… Đến tháng 10/2020, SHB đã hoàn thành trước hạn cơ bản các tồn đọng trong đề án sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt 412,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cuối năm 2019. Vốn tự có đạt 37.727 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 17.558 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2020 đạt 3.412 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch cổ đông đề ra, tăng 12,8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,9%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019. Có được kết quả này do SHB đạt tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng của SHB nhằm mang đến cho khách hàng sự toàn diện cả về lợi ích và giá trị vượt trội.
Công tác quản trị rủi ro của SHB tiếp tục khẳng định tính hiệu quả. |
Trong năm 2020 SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của SHB giảm xuống mức 1,6%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao. Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng đảm bảo giúp SHB nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.
Trong các năm tiếp theo, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.
Hoàn thành toàn bộ 03 trụ cột Basel II trước thời hạn
Cũng trong năm 2020, SHB tiếp tục triển khai các hạng mục của trụ cột 2 về quy trình đánh giá nội bộ mức đủ vốn (ICAAP). Quy trình ICAAP là sự đánh giá toàn diện về vốn, bao gồm sự giám sát của quản lý cấp cao đối với khẩu vị rủi ro, hồ sơ rủi ro, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch vốn; và sự phối hợp của các đơn vị đối với kiểm tra sức chịu đựng về vốn, tính toán mức vốn yêu cầu cho các rủi ro trọng yếu trong điều kiện bình thường và điều kiện căng thẳng. Đến nay, SHB đã hoàn tất toàn bộ các hạng mục của ICAAP, đáp ứng tuân thủ sớm toàn bộ 03 Trụ cột của Basel II so với quy định.
Trong quá trình triển khai ICAAP, ngoài việc tính toán lượng vốn cần đáp ứng cho toàn bộ các rủi ro trọng yếu, SHB đã xây dựng các mô hình kiểm tra sức chịu đựng (stress test) để đánh giá mức đủ vốn trong 3 năm tiếp theo trong cả điều kiện bình thường và điều kiện diễn biến bất lợi. Các kịch bản stress test của SHB được lựa chọn trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc về phân tích định lượng và tính thực tiễn khi áp dung.
Hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, SHB đã đáp ứng tuân thủ toàn diện các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhận được đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của SHB nói riêng và toàn ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất theo Basel II đạt 10,2% cao hơn so với quy định của NHNN (> 8%).
Đổi mới toàn diện và bứt phá
Năm 2021 với SHB được xem là năm bản lề, khép lại quá trình sáp nhập Habubank, xử lý cơ bản các tồn đọng theo Đề án nhận sáp nhập, mở ra một giai đoạn mới với sự đổi mới toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu – một thập kỷ mới đầy triển vọng lạc quan, bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong thời gian tới, SHB tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải cách, đối mới công tác phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao công tác quản trị rủi ro nhằm đảm bảo hoạt động tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng…
Bên cạnh đó, SHB tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đồng bộ, tiện ích. Năm 2021, SHB sẽ đẩy mạnh công nghệ số, hiện đại hóa ngân hàng bên cạnh quản trị rủi ro và bám sát các tiêu chuẩn quốc tế để hình thành một văn hóa số, một ngân hàng số với hệ sinh thái số, cung cấp trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, kinh doanh sáng tạo, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Với nỗ lực không ngừng và quyết tâm đổi mới toàn diện, SHB tin tưởng sẽ bứt phá thành công, mạnh mẽ chinh phục các mục tiêu kinh doanh và gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới.
Ninh Nhi
Theo