(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2021/NĐ-CP); trong đó, quy định về xác định chi phí phục vụ công tác khảo sát xây dựng đã được chuẩn xác lại.
Ảnh minh họa. |
Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án được giao quản lý đơn vị của bà Phạm Thị Ngọc Hà gặp một số vướng mắc như sau:
Theo Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư, tại Điểm 1.2.4 Khoản 1.2 Mục 1 Phụ lục 9 Phương pháp xác định dự toán chi phí khảo sát xây dựng quy định: Chi phí khác phục vụ công tác khảo sát xây dựng bao gồm chi phí lập phương án kỹ thuật khảo sát, lập báo cáo kết quả khảo sát xây dựng được xác định bằng tỷ lệ (%) trên tổng chi phí trực tiếp (T).
Bộ Xây dựng đã có trả lời, trong quá trình phát hành văn bản có sự nhầm lẫn, Bộ sẽ đính chính nội dung này. Vì vậy tại Điểm 1.2.4 Khoản 1.2 Mục 1 Phụ lục số 9 Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng có đính chính, chi phí phục vụ công tác khảo sát xây dựng được xác định bằng tỷ lệ phần trăm chi phí trực tiếp cộng với chi phí gián tiếp.
Tuy nhiên khi Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày ngày 20/7/2020 sửa đổi các thông tư trong đó có sửa đổi Thông tư số 09/2019/TT-BXD nhưng vẫn không sửa đổi nội dung này dẫn đến cơ quan chuyên môn khi thẩm định yêu cầu vẫn chỉ tính trên chi phí trực tiếp.
Bà Hà có câu hỏi, việc yêu cầu của cơ quan chuyên môn khi thẩm định có đúng không?
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì Sở Xây dựng công bố thông tin về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện nay có một số vật liệu sử dụng nhiều cho các công trình trên toàn tỉnh như bê tông thương thẩm, bê tông nhựa, vải địa kỹ thuật, vỏ rồng thép… nhưng thông báo giá của Sở Xây dựng hàng tháng lại không đưa giá các vật liệu này vào mặc dù các đơn vị liên quan đã nhiều lần ý kiến.
Vậy với các vật liệu không có trong thông báo giá của Sở Xây dựng như nêu trên thì khi lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán có được lấy báo giá của nhà cung cấp vật liệu không và nếu được thì báo giá này có phải thực hiện thẩm định giá của Sở Xây dựng hay đơn vị được cấp phép thẩm định giá như kiểm toán độc lập không?
Theo quy định tại Mục 3 Điều 26 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng thì “Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện. Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp”. Bà Hà đề nghị làm rõ, bản gốc và bản chính khác nhau thế nào.
Trong các quy định hiện hành có đề cập về vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, bà Hà hỏi, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công gồm những vốn nào?
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định đối với dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh; trừ dự án quy định tại Điểm a Khoản này và dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng”.
Như vậy theo mục này thì cơ quan chuyên môn về xây dựng không thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật; vậy báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì cơ quan nào thẩm định?
Đối với gói thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán gồm 3 hạng mục ở 3 huyện và độc lập nhau, trường hợp 3 nhà thầu liên danh và trong thỏa thuận liên danh phân chia mỗi nhà thầu 1 hạng mục thì từng nhà thầu có 1 chủ nhiệm hay 3 nhà thầu chỉ được cử 1 chủ nhiệm chung?
Tại Điều 1 Mục 24 Khoản 6 sửa đổi, bổ sung Điều 82 Luật Xây dựng có quy định: “Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thẩm định”.
Như vậy là chỉ thẩm tra về nội dung an toàn công trình sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tuy nhiên phần chi phí thẩm tra theo Bộ Xây dựng thì chỉ quy định hệ số chung của thẩm tra cả thiết kế xây dựng. Vậy làm sao để tách được chi phí thẩm tra chỉ về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật?
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Về xác định dự toán chi phí khảo sát, ngày 9/2/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định số 68/2019/NĐ-CP). Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2021/NĐ-CP); trong đó, quy định về xác định chi phí phục vụ công tác khảo sát xây dựng đã được chuẩn xác lại.
Về xác định giá vật liệu xây dựng, theo quy định tại Mục 1.2 Phụ lục số 4 Thông tư số 09/2019/TT-BXD: Trường hợp giá vật liệu trong công bố giá vật liệu của địa phương không phù hợp với yêu cầu của dự án (tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng vật liệu; nhu cầu sử dụng vật liệu của công trình về tiến độ, khối lượng cung cấp; thời điểm lập và mặt bằng giá thị trường tại nơi xây dựng công trình) thì giá vật liệu có thể được xác định trên cơ sở “chọn mức giá phù hợp với giữa các báo giá của nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng xây dựng”.
Trường hợp vật liệu đặc thù, chuyên ngành, chủ đầu tư xem xét quyết định việc thực hiện lấy ý kiến thẩm định giá hoặc tham khảo thêm ý kiến của cơ quan chuyên ngành làm cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Về hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, việc xác định bản gốc, bản chính của văn bản cần nghiên cứu quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư để thực hiện.
Về vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công là dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng không bao gồm vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Theo quy định tại Khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu, vốn Nhà nước bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước; công trái Quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công, vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Về thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp cần có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Đối với các dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định, giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung dự án khi không có cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện thẩm định theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 56 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 13 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 và Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Về trách nhiệm của nhà thầu tư vấn thiết kế trong trường hợp liên danh, Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: “Chủ nhiệm là chức danh của cá nhân được tổ chức giao nhiệm vụ quản lý, điều phối thực hiện toàn bộ công việc tư vấn có nhiều chuyên môn khác nhau, gồm: Chủ nhiệm lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng”.
Pháp luật về xây dựng hiện hành không quy định đối với trường hợp phân công từng chủ nhiệm cho từng công trình thuộc dự án hoặc một chủ nhiệm cho các công trình thuộc dự án.
Quy định về điều kiện năng lực của tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 93 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Trường hợp nhà thầu liên danh để thực hiện công việc thiết kế thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật Đấu thầu, trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh phải được quy định rõ tại văn bản thỏa thuận giữa các thành viên trong liên danh.
Về xác định chi phí thẩm tra nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, chi phí tư vấn được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành hoặc bằng cách lập dự toán.
Trường hợp công việc tư vấn chưa có định mức chi phí được ban hành, chi phí tư vấn có thể xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn, khối lượng công việc phải thực hiện, kế hoạch thực hiện và các quy định về chế độ, chính sách do Nhà nước ban hành.
Đỗ Quang
Theo