(Xây dựng) - Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn tới từ thị trường và chi phí, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm khi doanh thu tăng hơn 85% so với cùng kỳ và đưa về 177 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Kết quả sản xuất kinh doanh của Vinaconex được đánh giá là tích cực so với mặt bằng chung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bất động sản. |
Mới đây, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) đã công bố báo cáo soát xét báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2023.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2023, Vinaconex có doanh thu thuần đạt 6.553 tỷ đồng, tăng 85,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của Vinaconex trong kỳ tăng 74,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 812 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu tới từ hoạt động tài chính của Vinaconex lại giảm mạnh gần 79% so với 6 tháng đầu năm 2022, xuống còn 190 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu sáu tháng đầu năm của VCG, doanh thu chính đến từ hoạt động xây lắp, với hơn 3.993 tỷ đồng và chiếm 61% tổng doanh thu; kế đến là doanh thu tới từ kinh doanh bất động sản, với 1.608 tỷ đồng, đáng chú ý doanh thu bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Phần còn lại tới từ các hoạt động sản xuất – kinh doanh khác.
Như phần lớn doanh nghiệp xây lắp khác, các chi phí của Vinaconex trong nửa đầu năm 2023 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp tăng 87% so với cùng kỳ, đạt 5.721 tỷ đồng; chi phí tài chính lên tới 490 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí lãi vay tăng 93 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên tới 480 tỷ đồng và tương đương mức tăng 24%.
6 tháng đầu năm 2023, Vinaconex ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 261 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, kết quả VCG đưa về 177 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 75,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2023 đưa về tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, lãi sau thuế 860 tỷ đồng, sau nửa năm, Vinaconex đã đạt được 40% mục tiêu kế hoạch doanh thu và 20,5% kế hoạch lợi nhuận.
So với báo cáo tài chính tự lập, báo cáo soát xét báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2023 của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam không có sự chênh lệch đáng kể. Trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bất động sản gặp phải các áp lực lớn như chi phí tăng cao, thị trường ảm đạm... thì kết quả của Vinaconex được đánh giá là tích cực so với mặt bằng chung.
Tính tới ngày 30/6/2023, Vinaconex có tổng cộng tài sản đạt 31.367 tỷ đồng, giảm 632 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022. Tài sản ngắn hạn của Vinaconex đạt 19.395 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho có 7.210 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so với hồi cuối năm trước.
Nợ xấu và hàng tồn kho của Vinaconex tính tới ngày 30/6/2023. |
Tài sản dài hạn của Vinaconex tính tới ngày 30/6/2023 đạt 11.971 tỷ đồng, giảm 53 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, tài sản cố định tăng 38%, đạt 3.709 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2023, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam có 21 công ty con.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý II/2023, nợ phải trả của Công ty giảm gần 700 tỷ đồng so với đầu năm, còn 21.369 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 1.238 tỷ đồng, đạt 14.001 tỷ đồng; nợ dài hạn giảm 21%, xuống còn 7.368 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Vinaconex tính tới ngày 30/6/2023 đạt 9.998 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần đã phát hành chiếm tới 48,5%.
Hiện nay, Vinaconex vừa hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có các đoạn cao tốc thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đã khánh thành vào ngày 30/08/2023.
Bên cạnh đó, Vinaconex đang đẩy mạnh thi công các đoạn cao tốc thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, dự án đường Vành đai 4…
Mới đây, Vinaconex cũng là một thành viên trong liên danh Vietur trúng thầu thi công gói 5.10 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, trị giá 35.000 tỷ đồng, gói thầu cũng đã được khởi công vào ngày 31/8/2023 vừa qua. Trong khi đó, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh khác trúng gói thầu 4.6, giá trị hơn 8.000 tỷ đồng tại sân bay Long Thành, đây cũng là gói thầu lớn thứ 2 trong dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Diễn biến của cổ phiếu VCG trên sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian vừa qua. |
Trong thời gian vừa qua, cổ phiếu VCG diễn biến tương đối tích cực trên sàn chứng khoán, trong đó có nhiều phiên “thăng hoa” liên tục khi có tên trong thông tin trúng thầu. Đóng cửa phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ 2/9, VCG tăng mạnh 5,3%, qua đó nâng thị giá lên 28.900 đồng/cổ phiếu, đây cũng là phiên giao dịch thứ 4 liên liên VCG ghi nhận sắc xanh và đà tăng ổn định.
Lê Trang
Theo