(Xây dựng) - Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho ngành Hàng không rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở", thì đối với hãng hàng không Jetstar Pacific Airline (Jetstar) các cổ đông chính là Vietnam Airlines lại đang gặp khó khăn chưa từng có. Ngoài ra, xuất hiện những thông tin Tập đoàn Qantas của Australia muốn rút 30% cổ phần ra khỏi hãng Jetstar... cùng với số lỗ lũy kế của Jetstar lên đến hơn 4.000 nghìn tỷ đồng qua nhiều năm kinh doanh, tất cả đang đẩy số phận của hãng bay giá rẻ này đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”!?
Cả 2 cổ đông chính đang "ngắc ngoải" vì dịch Covid-19
Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airline hiện do 3 cổ đông nắm giữ phần vốn. Trong đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện đang nắm 68,86% cổ phần; Tập đoàn Qantas của Australia nắm 30% cổ phần và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nắm 1,14% cổ phần.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng như hiện nay, thì ngành Hàng không và Du lịch đều là những “nạn nhân” chịu ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Trong thư động viên gửi toàn thể cán bộ, công nhân viên, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng: Chưa bao giờ phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay hiện có. Dự kiến, năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
Ngày 16/4, tại hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, ông Dương Trí Thành cho biết lượng khai thác của hàng không Việt Nam chỉ còn 2 - 5% năng lực. Vietnam Airlines là hãng quốc gia cũng chỉ khai thác 3 đường bay nội địa, các đường bay quốc tế chủ yếu là chở hàng y tế và đưa công dân Việt Nam hồi hương.
Ông Dương Trí Thành cho rằng, hai ngành chịu tác động lớn nhất là vận tải và du lịch. Đến thời điểm này, các hãng hàng không Việt Nam dừng máy bay trên 90%. Đối với Vietnam Airlines, quy mô có khoảng 100 máy bay, sau dịch bệnh, nếu làm ăn tốt thì tối thiểu phải mất 5 năm mới bù được khoản lỗ phát sinh.
Bên cạnh sự khó khăn mà cổ đông chính của hãng Jetstar là Vietnam Airlines đang gặp phải, thì trong những ngày gần đây lại có thêm thông tin cho rằng Tập đoàn Qantas của Australia muốn rút 30% phần vốn góp tại Jetstar.
Hiện chưa rõ diễn biến, kết quả cụ thể liên quan đến thông tin này. Nhưng điều dễ nhận thấy, nếu Tập đoàn Qantas thực hiện thành công việc rút vốn, câu chuyện 13 năm hợp tác giữa Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas sẽ phải chấm dứt. Đồng nghĩa với việc hãng hàng không giá rẻ Jetstar muốn tồn tại thì sẽ triển khai tái cơ cấu lại.
Trong diễn biến khác, quý I/2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước doanh thu hợp nhất đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019, còn lợi nhuận âm 2.383 tỷ đồng. Vietnam Airlines dự kiến, nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, tổng doanh thu cả năm ước đạt 38.140 tỷ đồng và con số lỗ có thể lên tới 19.651 tỷ đồng... Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là 18.588 tỷ đồng. Với con số ước lỗ của năm 2020, Hãng hàng không quốc gia thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới hơn 1.000 tỷ đồng...
Lỗ lũy kế hơn 4.000 nghìn tỷ đồng, cần làm rõ trách nhiệm?
Sau đại dịch Covid-19, số phận hãng hàng không giá rẻ Jetstar sẽ “bay” về đâu? Câu trả lời còn tùy thuộc vào sự điều hành của các cổ đông chính. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2018 của Jetstar đã là 4.252 tỷ đồng vẫn còn đang treo đó...
Bóc tách số lỗ lũy kế này cho thấy, quá trình kinh doanh của Jetstar trong những năm qua chỉ luôn là điệp khúc lỗ triền miên. Tính riêng trong giai đoạn năm 2008 - 2009, Jetstar Pacific báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng.
Sang giai đoạn năm 2010 - 2011, Jetstar vẫn bị thua lỗ. Và số lỗ năm 2011 lại tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỷ đồng.
Sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn (68,86%), trên thực tế, Jetstar Pacific vẫn tiếp tục thua lỗ và năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, Jetstar báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ đồng trong năm 2016 và lỗ 1.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar đã lên tới trên 4.286 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của Công ty.
Việc kinh doanh của Hãng hàng không Jetstar không thuận buồn xuôi gió đã khiến cho Vietnam Airlines - cổ đông lớn nhất, chịu thiệt hại nhiều nhất. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước đã gián tiếp gánh chịu những khoản lỗ nghìn tỷ của Jetstar bởi Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước.
Điều đáng nói là dù làm ăn thua lỗ liên tục như vậy nhưng hiện tại, những lãnh đạo chủ chốt của Jetstar đã không còn tiếp tục ở lại để chèo chống con thuyền này nữa mà đã lần lượt thuyên chuyển và trở thành các lãnh đạo của Vietnam Airline.
Cụ thể như ông Dương Chí Thành - Tổng Giám đốc của Vietnam Airline hiện nay từng giữ chức Chủ tịch HĐQT của Jetstar. Thời điểm này, ông Dương Chí Thành là Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airline kiêm chức Chủ tịch HĐQT của Jetstar.
Ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách thương mại của Vietnam Airline hiện nay. Ông Lê Hồng Hà giữ chức Tổng Giám đốc của Jetstar trong 3 năm liên tục, từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2015.
Ngoài ông Dương Chí Thành và Lê Hồng Hà kể trên, còn một số cán bộ quan trọng của Vietnam Airline cũng từng giữ chức vụ quan trọng trong Jetstar là ông Lê Đức Cảnh - Trưởng Ban đầu tư của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Ông Lê Đức Cảnh từng là kế toán trưởng của Hãng hàng không Jetstar.
Trở lại khoản lỗ hơn 4.000 tỷ của Hãng hàng không Jetstar, nếu truy trách nhiệm đến cùng đối với các khoản thua lỗ từng thời kỳ của Hãng hàng không Jetstar thì phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công ty. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài việc ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc của Jetstar năm 2010 bị bắt thì không có cá nhân nào bị xử lý (?).
Trong thời gian tới đây, hãng hàng không giá rẻ Jetstar tái cơ cấu ra sao, cái tên Jetstar Pacific liệu có tiếp tục còn trên bản đồ bay của Việt Nam hay không? Số nợ hơn 4.000 tỷ đồng của đơn vị ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho?
Trước đó, nói về khoản lỗ khủng của Jestar nhưng lãnh đạo vẫn được thăng chức. Cũng nói về vấn đề trách nhiệm khoản lỗ của Jestar, trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý cho rằng: Vốn của Jetstar Pacific thực chất là của các cổ đông mà cổ đông lớn nhất là Vietnam Airlines. Tại Vietnam Airlines thì vốn Nhà nước chiếm hơn 86%. Vậy thì số vốn mà Vietnam Airlines đầu tư sang Jetstar Pacific liệu có nằm ngoài nguồn vốn của Nhà nước. Nếu đó là nguồn vốn của Nhà nước thì việc Jetstar Pacific làm ăn không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ số tiền hơn 4.000 tỷ, đồng nghĩa với việc Nhà nước cũng đang bị thất thoát vốn, đang phải gánh nợ hàng nghìn tỷ. Do đó, các cơ quan thanh kiểm tra cần vào cuộc để xác định xem việc thua lỗ này do đâu, có yếu tố con người hay là do khách quan, do trình độ quản lý yếu kém, do việc đầu tư, do cách làm hay do yếu tố cá nhân… dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific.
Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng để làm sạch bộ máy quản lý, nhất là việc quản lý các tài sản Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các công ty cổ phần mà nhà nước góp vốn. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc hàng loạt các vụ đại án kinh tế được đưa ra xét xử, trong đó có vụ án của Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình. Vì thế, với vụ việc xảy ra tại Jetstar Pacific thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xác định xem có sai phạm tại đây hay không.
Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu rằng dịch Covid-19 có nhấn chìm vấn đề trách nhiệm, “xí xóa” cho những cá nhân gây ra khoản lỗ khủng của Jestar? Hay Covid-19 có thể là "giọt nước làm tràn ly", sẽ làm minh bạch, phơi bày về khoản lỗ và trách nhiệm người đứng đầu?
Thanh Thanh
Theo