Thứ năm 26/12/2024 17:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Sản phẩm điện tử: Mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang UAE

17:57 | 29/10/2024

(Xây dựng) - Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử, giày dép, hàng dệt may, …

Sản phẩm điện tử: Mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang UAE
Ảnh minh hoạ.

Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực này cũng như các thị trường khác ở Tây Á và châu Phi.

Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau. Do vậy, CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi; đồng thời có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và dịch vụ chất lượng của UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN thông qua vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.

Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm).

Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt trên 4,47 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD, tăng 47,5% và nhập khẩu đạt 623,5 triệu USD, tăng 32,5%.

Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất

Mới đây, tại Dubai, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cùng Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). UAE là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-Rập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ được nâng cấp và ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ả-Rập nói chung. Hiệp định CEPA được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ.

Việc ký kết Hiệp định sau khoảng thời gian kỷ lục một năm đàm phán với 5 phiên đàm phán chính thức, trong đó có 3 phiên trực tiếp ở cấp Bộ trưởng, là minh chứng rõ rệt cho cam kết đưa hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai bên lên một tầm cao mới.

Hoàng Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load