(Xây dựng) - Những ngày gần đây, địa danh Mã Pì Lèng (Hà Giang) đang nóng bỏng trên mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Nơi mà ở đó đã từng được khách du lịch mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin.
Ở đó đã xuất hiện một công trình xây dựng 7 tầng mà chưa có giấy phép xây dựng.
Ở đó có một chủ đầu tư tư nhân dành nhiều tỷ đồng làm một điểm nghỉ chân cho du khách với tầm nhìn hạn hẹp của mình trên đỉnh Mã Pì Lèng, là danh lam thắng cảnh quốc gia được xếp hạng vào tháng 11/2009.
Và đó là cũng vùng đất hoang sơ, cuộc sống người dân lam lũ...
Một công trình xây dựng trong "tứ đại đỉnh đèo" mà lại mang trên mình cái ác danh “4 chưa”: Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất (vẫn đang là đất trồng trọt); dự án đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; công trình chưa được cấp phép xây dựng; công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ chủ quản. Cứ theo pháp lý mà nói, để tồn tại thật quá khó khăn.
Đấy là nói về một góc độ nào đó của pháp lý, nhưng trong cuộc sống, một sự việc còn có thể nhìn ở những góc độ pháp lý khác và những giá trị đạo lý khiến cho cuộc sống tinh thần của con người cân bằng hơn.
Tôi nhiều khi đặt câu hỏi, vì sao hiện nay, những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM lúc nào cũng đông nghẹt những người là người, làm ách tắc giao thông, làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, làm ô nhiễm môi trường, làm quy hoạch bị băm nát...?
Lý do cũng thật đơn giản, vì những vùng xa xôi kia quá nghèo. Vì những nơi ấy thiếu việc làm, thiếu các nhà đầu tư. Vì nơi ấy có rất nhiều nguồn lực nhưng chưa được khai thác... Hậu quả của nó là những đoàn người thiếu công ăn việc làm kia, theo bản năng sinh tồn của mình, tựa như nước chảy chỗ trũng, sẽ tràn xuống các đô thị một cách tự phát.
Muốn khắc phục tình trạng quá tải hiện nay của các đô thị, một trong những biện pháp quan trọng là phải khai thác hiệu quả nguồn lực của các địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ.
Trở lại câu chuyện ngôi nhà 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Tôi cho rằng, nếu tư duy rộng lòng hơn, được sự giúp sức của các kiến trúc sư giỏi giang, được các nhà quy hoạch có tầm nhìn xa để mắt đến, lại có thêm các nhà đầu tư tâm huyết, hy vọng đây sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước.
Khi ấy, Mã Pì Lèng không còn đơn điệu là một ngôi nhà tựa như “chiếc răng sâu” trong muôn trùng sơn thủy hùng vĩ như ai đó đã ví von, mà sẽ trở thành một “chiếc răng khểnh”, một quần thể kiến trúc độc đáo lớn vừa đủ để hài hòa với cảnh quan thiên nhiên tại nơi này.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo