(Xây dựng) - Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:
Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.
Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).
Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên.
Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận, Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện. Trường hợp lựa chọn đại lý phân phối, việc lựa chọn và ký hợp đồng với đại lý phân phối thực hiện theo quy định: Điều kiện làm đại lý phân phối và quy trình lựa chọn đại lý phân phối.
Điều kiện làm đại lý phân phối trái phiếu
Cụ thể, điều kiện làm đại lý phân phối gồm:
- Là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có chức năng cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Có mạng lưới hoạt động đáp ứng việc phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ;
- Có phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.
Quy trình lựa chọn đại lý phân phối
Nghị định số 83/2023/NĐ-CP quy định rõ: Khi có nhu cầu phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ thông qua đại lý phân phối, Kho bạc Nhà nước thông báo về kế hoạch tổ chức phát hành trên trang điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán để các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đăng ký tham gia làm đại lý phân phối. Nội dung thông báo bao gồm:
Thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành: Điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu (đồng tiền phát hành, kỳ hạn, mệnh giá, phương thức thanh toán gốc, lãi); khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành; thời điểm dự kiến phát hành, phương thức phát hành;
Thông tin về việc lựa chọn đại lý phân phối: Điều kiện đối với đại lý phân phối theo quy định; thời hạn và địa điểm nhận hồ sơ đăng ký làm đại lý phân phối.
Các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện làm đại lý phân phối có nhu cầu làm đại lý phân phối nộp hồ sơ được niêm phong trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc gửi bằng thư qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.
Sửa đổi quy định về trái phiếu ngoại tệ
Ngoài ra, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 22 về trái phiếu ngoại tệ.
Theo quy định mới, căn cứ nhu cầu huy động của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Đề án bao gồm các nội dung cơ bản sau: 1-Mục đích phát hành; 2-Khối lượng phát hành; 3-Điều kiện, điều khoản của trái phiếu: kỳ hạn, mệnh giá phát hành; đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu; lãi suất phát hành; 4-Phương thức phát hành trái phiếu (đấu thầu, bảo lãnh hoặc phát hành riêng lẻ); 5-Đối tượng mua trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về quản lý ngoại hối; 6-Việc đăng ký, lưu ký và giao dịch.
Nghị định số 83/2023/NĐ-CP quy định căn cứ đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính tổ chức phát hành trái phiếu ngoại tệ.
Khánh Diệp
Theo