Thứ sáu 29/03/2024 22:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy định kinh doanh ngành Xây dựng: Cải cách để phục vụ người dân và doanh nghiệp

10:11 | 15/08/2022

(Xây dựng) - Xác định cải cách quy định kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng.

quy dinh kinh doanh nganh xay dung cai cach de phuc vu nguoi dan va doanh nghiep
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Thanh Nghị tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan diễn ra cuối tháng 11/2021 tại Hà Nội.

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 68) về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung ban hành với những điểm mới, đột phá, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), việc cải cách ngay từ phân cấp thẩm quyền, tạo chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hay kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng thông qua việc giảm đối tượng phải thẩm định, kiểm tra tại chính cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND các tỉnh. Bên cạnh đó, chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng của các chủ thể liên quan cũng được phân định phù hợp với các nguồn vốn sử dụng.

Trên tinh thần của Nghị quyết số 68, các thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đã được tích hợp. Việc đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp cũng như mở rộng đối tượng được miễn giấy phép được triển khai rộng rãi trên cả nước. Do đó, thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày đã được rút ngắn xuống còn 20 ngày.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc cũng đánh giá các quy định mới đã phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho các địa phương. Đẩy mạnh công tác cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, hạng III và sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An) được thí điểm phân cấp thực hiện thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

Ông Phạm Quang Định - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Thời gian qua, Bộ cũng đã đề xuất nhiều chính sách mới giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn hiện nay. Đó là việc luật hóa, bổ sung mới các quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý hành nghề kiến trúc, chất lượng đội ngũ kiến trúc sư giúp hoàn thiện đầy đủ công cụ quản lý Nhà nước trong hoạt động này.

Bên cạnh đó, nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ được bổ sung kịp thời nhằm khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện tại nhiều nơi. Đáng chú ý, việc bãi bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng, Giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị được sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu vực quy hoạch treo, cũng được đảm bảo bởi các đề xuất chính sách mới…

Ngoài ra, Bộ cũng đã chủ động rà soát, loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Như các quy định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được thống nhất với Luật Quy hoạch. Hay việc bãi bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư tại Luật Nhà ở, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP được thống nhất theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Bộ Xây dựng là 1 trong 5 Bộ, ngành đầu tiên hoàn thành việc xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý trong năm 2021 và 2022 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021.

Chủ động đối thoại với người dân, doanh nghiệp

Trong quá trình cải cách quy định kinh doanh của ngành, lãnh đạo Bộ đã bám sát và quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác xây dựng pháp luật và yêu cầu về cải cách hành chính. Từ đó, Bộ chủ động đưa ra các đề xuất cải cách quy định kinh doanh phù hợp với thực tiễn.

Mới đây, tại Hội thảo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 68, ông Ngô Hải Phan -Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho rằng: Hiện nay, các Bộ, ngành khi xây dựng chính sách, thực hiện đăng tải, gửi văn bản xin ý kiến theo đúng quy định pháp luật, nhưng nhận được rất ít ý kiến góp ý. Thậm chí khi nhận được văn bản thì đã hết thời hạn cho ý kiến, đến lúc ban hành, có động chạm, các cơ quan, đối tượng chịu tác động mới phản hồi về quy định này không phù hợp, trái thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Chính phủ định hướng tiếp cận xây dựng thể chế theo hướng phải huy động được sự tham gia chủ động, tích cực từ các bên trong xây dựng chính sách. Vấn đề đặt ra cần có một cổng tham vấn chung đảm bảo sự tương tác hỗ trợ tối đa cho cán bộ, công chức và đối tượng sử dụng trong quá trình xây dựng chính sách. Các nội dung quy định cụ thể hay thủ tục đều được công khai.

Trong lĩnh vực xây dựng, việc tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, người dân để lắng nghe những phản ánh vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia đã giúp Bộ Xây dựng có những chỉ đạo, điều hành nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định kinh doanh được tốt hơn. Bộ cũng xác định phải gắn kết công tác xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật để các chính sách kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải cách quy định kinh doanh trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, trước mắt là xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội. Đây có thể coi là hai dự thảo Luật rất quan trọng, có nhiều quy định tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng một Luật điều chỉnh về: Quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý và phát triển đô thị; cấp thoát nước; quản lý không gian ngầm... đang được tích cực nghiên cứu.

quy dinh kinh doanh nganh xay dung cai cach de phuc vu nguoi dan va doanh nghiep
Các chính sách cải cách quy định kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo Vụ Pháp chế, hiện nay, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nêu trên, dự kiến sẽ trình Chính phủ ngay trong quý III này.

Bộ Xây dựng trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách các quy định kinh doanh theo định hướng đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đảm đảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong năm 2021 và 2022, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung 06 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 01 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 TTHC. Đến nay, đã hoàn thành 01 Nghị định (cắt giảm, đơn giản hóa 01 điều kiện đầu tư kinh doanh, 02 TTHC); 05 Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Nghị định mới.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load