Thứ sáu 27/12/2024 00:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án

08:58 | 26/12/2024

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã ký Quyết định số 148/QĐ-BCĐ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án
Ảnh minh hoạ.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

Quy chế nêu rõ, Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.

Ban Chỉ đạo làm việc theo các hình thức như: Tổ chức cuộc họp định kỳ, đột xuất, hội nghị dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tổ chức các đoàn làm việc tại bộ, ngành, địa phương và cho ý kiến bằng văn bản.

Chế độ làm việc và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo

Theo quy chế, các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.

Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm việc với các thành viên Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo được chủ động làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh, các vấn đề trong việc triển khai dự án trên thực tế (nếu có). Sau đó tổng hợp, báo cáo lại Trưởng Ban Chỉ đạo tại các cuộc họp định kỳ gần nhất theo lịch của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được Trưởng ban giao hoặc Phó Trưởng ban giao trong trường hợp được Trưởng ban ủy quyền; phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ; báo cáo Trưởng ban về kết quả thực hiện; có thể thành lập tổ giúp việc tại đơn vị mình để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ một cách kịp thời, thường xuyên, thực chất, hiệu quả.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm định kỳ 01 quý/01 lần báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công tại Hội nghị định kỳ mỗi quý, thời gian họp phụ thuộc vào lịch của Trưởng Ban Chỉ đạo; chịu trách nhiệm với thông tin, báo cáo, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công thuộc phạm vi quản lý.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

Tham mưu xây dựng kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương và đối tượng có liên quan để khảo sát, rà soát, tổng hợp các dự án vướng mắc; phân loại các nhóm vấn đề và dự kiến thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất đối với các nhóm vấn đề không thuộc phạm vi bộ, cơ quan do thành viên Ban Chỉ đạo quản lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối nắm bắt thông tin, phối hợp công tác giữa các thành viên Ban Chỉ đạo; tiếp nhận các văn bản báo cáo, hồ sơ tài liệu có liên quan từ các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổng hợp báo cáo; duy trì liên hệ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Bên cạnh đó, tổng hợp, xây dựng các báo cáo, tài liệu của Ban Chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo; chuẩn bị nội dung và các điều kiện để tổ chức các cuộc họp, hội nghị và đoàn làm việc của Ban Chỉ đạo theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo; trình Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo theo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để hướng dẫn giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền; lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép báo cáo Chính phủ.

* Quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 kiện toàn Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án nêu rõ:

Trưởng Ban là đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Phó Trưởng Ban là đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, không bao gồm các dự án đang được các Ban chỉ đạo, Tổ công tác khác của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo tháo gỡ.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có), không bao gồm các dự án đang được các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác khác của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đạo tháo gỡ.

Ban chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều phối và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các công việc sau: Rà soát, làm rõ và tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, xác định nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý; chỉ đạo các Bộ, cơ quan hướng dẫn, tháo gỡ theo thẩm quyền; tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc cho phép trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các Bộ, cơ quan và địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; tham mưu Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nhóm vấn đề vượt thẩm quyền; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đối với dự án thuộc thẩm quyền của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh (nếu có)…

Quỳnh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load