(Xây dựng) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị vừa xây dựng hoàn thành và báo cáo với lãnh đạo tỉnh này, về dự thảo đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến 2030.
Tối thứ 7 hàng tuần tại khu vực Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Trị (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) tấp nập người đi bộ, vui chơi. |
Mục tiêu của đề án là triển khai cụ thể đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ ban hành phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện của tỉnh Quảng Trị; xây dựng định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế ban đêm cho tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Khai thác tiềm năng lợi thế của của tỉnh để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm, góp phần nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày; phát triển KTBĐ để bổ trợ cho các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, kể cả ban đêm và ban ngày.
Theo yêu cầu của đề án, phát triển kinh tế ban đêm phải đảm bảo phù hợp với chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị và các quy hoạch có liên quan. Địa điểm, khu vực triển khai các hoạt động, dịch vụ ban đêm phải được quy hoạch đồng bộ, có lộ trình phát triển và nguồn lực phù hợp.
Đồng thời, nội dung phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với nhu cầu, xu thế của thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí của người dân, thị hiếu của khách du lịch. Khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế ban đêm không áp đặt tư duy chủ quan của cơ quan quản lý; phát triển các hoạt động tế ban đêm gắn với đặc trưng, thế mạnh văn hóa, tập quán, nghệ thuật, ẩm thực của tỉnh để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt góp phần thu hút tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách; tạo gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân và du khách.
Đối tượng của đề án là tập trung phát triển kinh tế ban đêm bằng các hoạt động phát triển thương mại và dịch vụ như: Dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ mua sắm và du lịch. Đối tượng chủ yếu tham gia vào hoạt động tế ban đêm là người dân trên địa bàn, người lao động trong các khu công nghiệp, khách du lịch, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cung cấp các dịch vụ phục vụ phát triển tế ban đêm.
Ngoài ra, còn có các cơ quan quản lý nhà nước về hành chính, an ninh trật tự xã hội, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm... các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ công ích...
Phạm vi đề án, về không gian, nghiên cứu các khu vực, địa phương có dân cư phát triển, tập trung; có cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tương đối; có các hoạt động về dịch vụ, thương mại, du lịch phát triển. Trong đó, tập trung nghiên cứu, định hướng ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Về thời gian, nghiên cứu thực trạng và tiềm năng phát triển tế ban đêm trong giai đoạn 2016-2022; đề ra định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển tế ban đêm giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hữu Tiến
Theo