Thứ hai 20/01/2025 04:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Quảng Trị: Nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà đang kêu cứu!

09:35 | 12/04/2023

(Xây dựng) – Do bên mua (Công ty điện lực Quảng Trị) thường xuyên tiết giảm nên công suất huy động tối đa nguồn điện mặt trời chỉ đạt xấp xỉ 40% công suất thiết kế, dẫn đến những thiệt hại lớn về tài chính, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cùng nhau làm đơn kêu cứu.

Quảng Trị: Nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà đang kêu cứu!
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà ở Quảng Trị.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, 735 nhà đầu tư thực hiện đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà có hợp đồng mua bán điện với Công ty điện lực Quảng Trị trong vòng 20 năm, với tổng công suất thiết kế trên 112,69MWp. Trong tổng số đó, có đến 113 nhà đầu tư có hệ thống đấu nối trung áp với tổng công suất đạt 94,287MWp thuộc diện tiết giảm.

Ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Công TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị tâm tư: Năm 2020, từ chủ trương khuyến khích đầu tư của Chính phủ; Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Đức Hiền đã tiên phong trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, với kỳ vọng Nhà nước và doanh nghiệp đều có lợi.

Vậy là hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Đức Hiền được xây dựng, lắp đặt hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý IV/2020. Ông Đức cho biết thêm, hệ thống điện mặt trời mái nhà của ông phải sử dụng đến 70% là vốn vay ngân hàng. Và theo cách tính toán, nếu nguồn điện mặt trời được Công ty điện lực Quảng Trị huy động chỉ cần hơn 70% công suất thiết kế thì hiệu quả mang lại là khả quan. Song trên thực tế, thời gian qua, Công ty điện lực Quảng Trị (bên mua) đã tiết giảm điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất huy động tối đa của 113 nhà đầu tư thuộc diện bị tiết giảm (bên bán) chỉ đạt từ 30-42% công suất lắp đặt, nên hoạt động kinh doanh điện mặt trời mái nhà gặp rất khó khăn, trong khi lãi suất ngân hàng thời gian gần đây lại tăng cao. Xin được đơn cử một số thời gian trong tháng 3/2023 mà công suất huy động tối đa nguồn điện mặt trời mái nhà của Công ty điện lực Quảng Trị đối với 113 nhà đầu tư: Từ ngày 6 đến 11 là 46,9MW, bằng 42% công suất lắp đặt; ngày 19 là 36,8MW, bằng 32% so với công suất lắp đặt…

Phải khẳng định rằng, thời gian qua việc thực hiện tiết giảm điện, đặc biệt là nguồn điện mặt trời mái nhà là tình trạng chung trong cả nước. Dẫn đến hệ lụy này, gồm nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đáng quan tâm nguồn điện mặt trời mái nhà, cụ thể là từ chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để bổ sung vào nguồn điện lưới quốc gia. Do đó, từ những năm 2020, 2021 điện mặt trời mái nhà phát triển một cách ồ ạt, trong đó có Quảng Trị đã dẫn đến nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống lưới vượt quá công suất phụ tải. Đây là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh hệ thống điện… Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 736, ngày 02/5/2021 về việc một số vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện, trong đó có việc chỉ đạo cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác tiết giảm huy động nguồn điện mặt trời mái nhà.

Đầu tư, kinh doanh hệ thống điện mặt trời mái nhà là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây còn là ngành mang tính đặc thù có tầm chiến lược quốc gia, vì vậy công tác hoạch định, dự báo là vai trò chủ đạo của Nhà nước, mà cụ thể là Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua tràn lan, ồ ạt, trong khi đó công tác hoạch định và dự báo thiếu chính xác, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống lưới vượt quá công suất phụ tải, do đó bắt buộc phải tiết giảm thời gian phát điện lên hệ thống lưới điện, nhất là vào những thời gian thấp điểm, chính vì vậy, nhà đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà là người phải chịu nhiều thua thiệt.

Trước sự bất cập về việc kinh doanh điện mặt trời mái nhà, các nhà đầu tư đã có đơn kêu cứu Nhà nước cần sớm có những giải pháp, chính sách tháo gỡ để giảm áp lực về tài chính. Họ cho rằng, nếu tiết giảm nguồn điện huy động tối đa với công suất đạt thấp hơn nhiều so với công suất lắp đặt như hiện tại thì nên có giải pháp kéo giãn thời gian hợp đồng mua bán điện và tăng lên hơn 20 năm như hợp đồng đã ký trước đây. Như vậy mới tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thời gian để thu hồi vốn và hy vọng việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà không dẫn đến tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load