(Xây dựng) – Đối với người dân vùng hải đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) với những món ăn quen thuộc thì hương vị bữa cơm ngày Tết còn có món sá sùng khô rang giòn. Một món ăn truyền thống của người vùng biển mà ngang với giá vàng mười, Xuân này sá sùng lại được tôn thêm giá trị hàng hóa.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn Phạm Quang Tùng đưa mặt hàng sá sùng đến gần với người nhiều người tiêu dùng hơn. |
Nhiều người chưa rõ, sá sùng là loài hải sản gì mà đắt đỏ vậy, và ai tôn thêm giá trị hàng hóa cho nó. Theo tài liệu khoa học, sá sùng là một loài giun biển, thuộc họ sâu đất (Sipunculidae). Và có 2 loại, loài nhỏ tên khoa học là Sipunculus nudus Linnaeus dài khoảng 10cm, nặng 10 - 12g, thân thon tròn như ống, màu hồng nhạt, phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, rất linh hoạt; loại to, còn gọi là sá sùng chuối, tên khoa học là Sipunculus sp, có thể nặng đến 120g, thân màu nâu nhạt, cơ dọc giữa thân dưới 30 sợi, hoạt động chậm chạp.
Sá sùng sinh trưởng ở các bãi cát pha bùn ven bờ vịnh Bắc Bộ, trong đó nổi tiếng nhất là sá sùng ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Mùa khai thác sá sùng 1 năm 2 vụ từ tháng 1-3 âm lịch và từ tháng 7-10 âm lịch, là thời điểm sá sùng sinh sôi nhiều và sá sùng có chất lượng thương phẩm cao nhất. Để có được sản phẩm sá sùng khô, người dân mất rất nhiều công sức và phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, từ việc đi ra bãi biển tìm tổ sá sùng, rồi dùng mai đào (công cụ khai thác), sau đó về nhà sơ chế, loại bỏ thủ tạng và cát dính trong lòng sá sùng, trần qua nước sôi, rồi sấy khô trên hệ thống bếp than hoa. Thường thì 12-14kg sá sùng tươi, sau khi sơ chế, sấy khô được 1kg sá sùng khô.
Sá sùng chế biến ăn liền và các sản phẩm đóng hộp với tem nhãn đầy đủ, gói nhỏ từ 50g- 100g rất thuận tiện khi sử dụng |
Chất lượng thương phẩm đỉnh cao là sá sùng khai thác tại xã đảo Quan Lạn và Minh Châu. Con sá sùng ở đây dạng sá sùng chuối thân to, dày mình, khi sơ chế thành sản phẩm khô nó vẫn giữ được kích thước, khi chế biến thành món ăn có độ thơm, ngọt. Có thể do tiểu vùng khí hậu, hải lưu, chất cát và lớp phù du hợp với loài sá sùng sinh trưởng.
Diện tích khai thác sá sùng của Vân Đồn hiện có khoảng 1.000ha, tập trung ở 2 xã Quan Lạn và Minh Châu. Xã Quan Lạn có khoảng 40 người khai thác sá sùng, sản lượng mỗi tháng khai thác được khoảng 1,2 tấn sá sùng tươi, chế biến được khoảng 1,5 tạ khô. Xã Minh Châu có 25 người khai thác sá sùng, sản lượng bình quân khoảng 500kg sá sùng tươi/tháng, 60kg sá sùng khô/tháng.
Trước đây sá sùng nhiều vô kể, một người có thể đào được 7-8kg sá sùng tươi/ngày; nay sá sùng khan hiếm, mỗi ngày người đào giỏi nhất xã cũng chỉ được 1-2kg. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tại xã đảo Minh Châu, sản lượng khai thác sá sùng năm 1996 là 12 tấn khô, năm 2007 là 10 tấn, năm 2008 là 6-8 tấn, hiện nay ước tính chỉ đạt 4-5 tấn.
Vân Đồn đang nghiên cứu đưa công nghệ tiên tiến vào chế biến để nâng cao thương hiệu đặc sản sá sùng. |
Loài sá sùng quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao, nên sá sùng khô ở Vân Đồn luôn cao giá, hàng đạt phẩm cấp 1 kg luôn ngang giá với 1 chỉ vàng mười. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 4/5/2016, phê duyệt nhiệm vụ “Bảo tồn gen sá sùng Sipunculus Nudus Linnaeus trên địa bàn tỉnh”. Huyện Vân đồn chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các xã lưu giữ bảo tồn, bổ sung nguồn giống sá sùng; kiểm soát khai thác, chống khai thác tận diệt gắn với công tác bảo vệ môi trường, để nguồn lợi hải sản này phát triển bền vững. Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh đã quy hoạch 10ha vùng quản lý, bảo tồn sá sùng tại các xã đảo huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.
Về tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn 2 xã Quan Lạn và Minh Châu hiện có 14 cơ sở chế biến sản phẩm sá sùng, cung cấp ra thị trường. Năm 2016, Công ty TNHH Thương mại và Thủy sản Quảng Ninh cùng với hợp tác với HTX Làng Vân đã tổ chức thu gom sá sùng tươi sống, chế biến, phơi sấy khô, đóng gói sản phẩm.
Hình ảnh người dân xã đảo Quan Lạn đào sá sùng trên bãi biển khi nước triều xuống. |
Các cơ sở dịch vụ chế biến, tiêu thụ sá sùng nói trên cũng mới chỉ dừng lại ở dạng sơ chế thô, đóng gói túi nilon sơ sài. Mới đây Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn đã đăng ký thương hiệu Hải sản BOSA, đưa giá trị thương phẩm sá sùng lên tầm cao mới. Sá sùng khô được đóng hộp nhãn mác trang trọng, túi bao bì bắt mắt; đa dạng sản phẩm sá sùng như: Bột nêm sá sùng, ruốc sá sùng, sá sùng chế biến ăn liền... Sá sùng ăn liền đóng gói nhỏ từ 50g - 100g tiện dùng trong văn hóa ẩm thực, đã nâng tầm giá trị sá sùng Vân Đồn lên tầm mới.
Vũ Phong Cầm
Theo