(Xây dựng) - Đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, là địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ; là “vọng gác tiền tiêu” nơi cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ. Năm 2024, Cồn Cỏ diễn ra nhiều sự kiện, dấu ấn lịch sử khó quên.
Nhân chuyến ra thăm và làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tặng bức ảnh lưu niệm cho huyện đảo Cồn Cỏ. |
Ngày 16/10, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương thăm, làm việc và trao quà động viên Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.
Tổng Bí thư khẳng định: Đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược biển đảo, là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Từ tầm quan trọng và ý nghĩa đó, Tổng Bí thư lưu ý: Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đảo Cồn Cỏ được mệnh danh là "pháo đài bất khả xâm phạm", "chiến hạm thép không bao giờ chìm", "chiến hạm bất khuất canh giữ biển Đông Tổ quốc", là "con mắt thần ở biển Đông", hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió. Ngày nay, Cồn Cỏ tiếp tục giữ vai trò quan trọng về quân sự - quốc phòng trên biển, coi như một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Quân và dân huyện đảo đã chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ hòn đảo rất tốt, giữ được hệ sinh thái ba tầng rừng nhiệt đới, hệ sinh thái biển đảo. Theo đó, Tổng Bí thư chỉ rõ: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Từ đó, Tổng Bí thư đề nghị huyện đảo tiếp tục củng cố an ninh quốc phòng biển đảo, chú ý sự gắn kết liên hoàn về an ninh quốc phòng giữa Cồn Cỏ và các đảo khác. Đồng thời, xây dựng Cồn Cỏ thành khu vực phòng thủ vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Ngày 02/8, huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện 01/10 (2004 - 2024), 65 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ 08/8 (1959 - 2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường nhấn mạnh: Cách đây 65 năm, ngày 08/8/1959, Đại đội 6, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 vượt trùng khơi ra giữ đảo Cồn Cỏ với quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đây, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN, hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngày 01/10/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ. Từ đây, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị và là huyện đảo thứ 12 trên cả nước được thành lập. Huyện đảo đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch “Vững về kinh tế - đẹp về văn hóa - mạnh về quốc phòng, an ninh”.
Cồn Cỏ hôm nay đã “thay da, đổi thịt”, với những kết quả đáng khích lệ. Kinh tế chuyển biến rõ nét, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Công tác quy hoạch được quan tâm đúng mức, huyện đảo đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tích hợp vào Quy hoạch tổng thể của tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và hiện đang triển khai Quy hoạch vùng huyện đảo Cồn Cỏ.
Ngày 30/3, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã tổ chức lễ khởi động năm du lịch huyện đảo Cồn Cỏ năm 2024. Đông đảo cán bộ, Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ và du khách tham dự lễ khởi động.
Được mệnh danh là “hòn ngọc giữa biển Đông”, đảo Cồn Cỏ không chỉ được biết đến là địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ mà còn là “vọng gác tiền tiêu” nơi cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ. Nằm cách cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) 17 hải lý, huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích đất tự nhiên 230 ha; có trên 60% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên, dân số đảo hiện có 600 người; có nhiều tài nguyên sinh vật biển phong phú. Cồn Cỏ nằm trong hệ thống các địa danh lịch sử nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Trị.
Trong những năm qua, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển đảo Cồn Cỏ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tác nghiệp của lực lượng vũ trang, bảo vệ cảnh quan, môi trường của đảo được đầu tư xây dựng như: Hệ thống cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở bảo vệ đảo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh, hồ thu gom và chứa nước nhân tạo, hệ thống điện, giao thông trên đảo... các hoạt động dịch vụ đời sống cung ứng điện, nước, du lịch được chú trọng; công tác bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái được tăng cường.
Hữu Tiến
Theo