Thứ hai 27/01/2025 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn

16:58 | 26/01/2025

(Xây dựng) - Nếu như thời chiến tranh, đội quân “Biệt động Sài Gòn” khiến cho kẻ thù chỉ vừa nghe tên thôi đã khiếp sợ, thì trong thời bình một con người thầm lặng, bình dị mang tên Trần Vũ Bình lại khiến cho bao nhiêu người phải “ngả mũ” cảm phục bởi sự nhẫn nại, hy sinh, dành trọn tâm huyết, tuổi trẻ để gìn giữ cho muôn đời sau chuỗi di sản vô cùng quý giá và không kém phần đặc biệt, gắn liền với những chiến tích hào hùng của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm ấy.

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Chuỗi di sản Biệt động Sài Gòn.

Chuỗi di sản độc đáo

Tour du lịch liên quận 1-3-10 mang tên “Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại” ra mắt vào những ngày giáp Tết Ất Tỵ khiến cho bầu không khí tại các di tích biệt động trung tâm thành phố náo nhiệt hơn. Cùng với nhiều tour, chuyến tham quan khác, di tích Biệt động Sài Gòn ngày càng ghi dấu ấn với đông đảo người dân, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh...

Điều thú vị thu hút khách tham quan không chỉ là những căn hầm được đào dưới lòng đất như “địa đạo Củ Chi” mà nó nằm kế cạnh sào huyệt của kè thù, trong trung tâm đầu não của Mỹ ngụy.

Trong các di tích ngày nay, hiện vật và tư liệu đã được bày trí thành bảo tàng, là những giáo cụ trực quan sinh động minh chứng về một cuộc chiến khốc liệt trong lòng địch của những người chiến siỹ làm nhiệm vụ đặc biệt “Biệt động Sài Gòn”.

Hiện trong trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh có tới 20 di tích về Biệt động Sài Gòn đã được phục hồi, mỗi nơi mang một nét đặc trưng riêng với bao dấu tích hào hùng của thế hệ đi trước. Nơi thì là hầm chứa vũ khí, nơi là địa điểm ém quân, nơi là hầm nổi giao liên với những hộp thư bí mật… nhưng đều có điểm chung là những căn nhà phố trong khu buôn bán đông đúc sầm uất, gần Dinh Độc Lập, gần Đại sứ quán Mỹ, gần Đài Phát thanh năm xưa, nơi mà được kẻ thù canh gác, bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Trong số đó, có những di tích đã được công nhận là Di tích quốc gia, có những di tích vẫn còn hằn in những vết đạn bắn ghi lại những khoảnh khắc giao tranh sinh tử khốc liệt. Hấp dẫn nhất vẫn là cách mà các “Biệt động Sài Gòn” đào hầm và ngụy trang lối thoát, đồ vật. Có “thực mục sở thị” mới hiểu được cách hoạt động, ẩn mình khôn khéo, anh dũng và chấp nhận mọi hy sinh của lực lượng này.

Bên trong các di tích là bảo tàng với đa dạng hiện vật độc đáo. Đó là những dụng cụ mà các chiến sỹ biệt động thành năm xưa dùng để trao đổi thư tín, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc nổ, bom, mìn… Khách tham quan bị hấp dẫn bởi những vật dụng hết sức bình thường, hết sức quen thuộc nhưng lại chứa đựng những điều không ai ngờ tới. Những lon guygo bỏ đi dùng để đưa thư; những khúc gỗ được khoét rỗng ruột để bỏ súng, đạn; những chiếc xe thồ chở sọt trái cây chứa thuốc nổ;… thậm chí, cả những chiếc xe hơi hạng sang dùng để chở bom, thùng thuốc nổ 500kg, chở người từ chiến khu về nơi đầu não kẻ thù.

Cũng từ bảo tàng này, khách tham quan sẽ hình dung ra được lực lượng đặc biệt “xuất quỷ nhập thần”, chủ nhân của những vật dụng thô sơ mà hiệu quả kia hoạt động như thế nào. Họ là những người “động thì là binh, tịnh thì làm dân”, nghĩa là khi có biến thì họ trở thành chiến sỹ, khi yên bình họ là những người dân bình thường, làm những công việc bình thường như bán cà phê, bán cơm tấm, may mặc, sửa chữa, thợ hồ, thợ điện, kỹ sư, bác sỹ… với đầy đủ thành phần gồm cả già, trẻ, gái, trai tập trung dưới sự chỉ huy của một tổ chức gọi là “R”, hay gọi là “Biệt động Sài Gòn”.

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn
Anh Trần Vũ Bình tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Đến bảo tàng, khách tham quan có thể được giao lưu trực tiếp với chứng nhân lịch sử, những biệt động thành còn sống hoặc được xem lại những chiến công của họ qua những thước phim với công nghệ kính VR. Và đây sẽ là câu trả lời cho câu hỏi “Biệt động Sài Gòn là ai” ở cuối mỗi tour: Biệt động Sài Gòn là một lực lượng vũ trang đặc biệt, có đầy đủ thành phần xã hội tham gia như nam phụ lão ấu. Họ chiến đấu trong một chiến trường đặc biệt, là chiến đấu trong hang ổ của kẻ thù, tại nơi đầu não của kẻ thù, trong nội đô Sài Gòn.

Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - Biệt động Sài Gòn – Gia Định cho biết, nhân dịp giao lưu với khách tại Bảo tàng Biệt động, điều làm nên tên tuổi của những chiến sỹ biệt động thành sống mãi với thời gian chính là lối đánh đặc biệt, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại và phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xuất quỷ nhập thần, táo bạo bất ngờ. Chiến công của họ cũng đặc biệt. Chỉ một đến hai người có thể tiêu diệt hàng trăm tên địch ngay giữa sào huyệt của chúng, tiêu diệt cả Đại sứ quán Mỹ, không chỉ tiêu diệt một lần mà đánh tới hai lần, thậm chí đánh chìm luôn cả tàu sân bay”.

Quá nửa đời tận tụy với Biệt động Sài Gòn

Chuỗi di sản độc đáo trên ngày càng nổi tiếng trong nước và thế giới. Cụm từ “Biệt động Sài Gòn” đã xuất hiện trên khắp các trang mạng, trên các phương tiện truyền thông. Nhưng có lẽ ít ai biết được, tác giả của chuỗi di sản này, người đã lặng lẽ gần 50 năm để xây dựng và phát triển, tận tụy cùng với các “Biệt động Sài Gòn” còn sống, vượt qua gian khó, để lại kho báu cho đời.

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn
Tour du lịch liên quận 1-3-10 với chủ đề “Biệt động Sài Gòn - Những căn hầm huyền thoại”.

Ông Nguyễn Quốc Độ cho hay, nếu không có sự đóng góp về tâm huyết, tiền của và công sức của gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, đặc biệt là anh Trần Vũ Bình, con trai ông Lai, thì sẽ không có chuỗi di sản, không có Bảo tàng Biệt động Sài Gòn được gìn giữ đến ngày hôm nay. “Tôi khẳng định như thế, bởi chúng tôi dù quyết tâm cho mấy, mong muốn cho mấy mà không có cơ sở vật chất, không có tài chính thì không thể làm gì được.

Trong hơn thập kỷ qua, Bảo tàng Biệt động không chỉ có một địa điểm, mà đã tạo thành chuỗi: 113A Đặng Dung, quận 1; 145 Trần Quang Khải, quận 1; 368 Hai Bà Trưng, quận 1; 287/72 Võ Văn Tần, quận 3; 499/20 Cách mạng Tháng Tám, quận 10, số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, Phú Nhuận; ấp Tháp và ấp Trung Viết, xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp, Củ Chi; đường Tắc Xuất, Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh…

Gia đình anh Bình đã phải góp rất nhiều chi phí, tiền của để chuộc lại những di tích trước đây của Biệt động Sài Gòn. Bởi vì khi ông Trần Văn Lai, người lính Biệt động Sài Gòn đào hầm chứa vũ khí đánh vào Dinh Độc lập và một số cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, bị bắt, chính quyền chế độ cũ đã tịch thu toàn bộ gia sản của gia đình ông và bán qua tay nhiều người khác. Sau khi hòa bình, với những biến động của Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là vấn đề nhà đất, thì việc mua lại những tài sản này không phải là con số nhỏ, mỗi căn nhà có giá trị hàng tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng. “Nếu là người không tâm huyết với lịch sử, người ta có thể dùng số tiền này để sống sung sướng, nhưng gia đình anh Bình đã phải tập trung đầu tư bằng số tiền khổng lồ để mua lại, cũng như đầu tư, chăm chút vào việc phục dựng các di tích cho biệt động” - Ông Độ nói.

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn
Bà Chính Nghĩa và Trần Vũ Bình tại Di tích Hộp thư bí mật số 113A, Đặng Dung, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Văn Cang, hay còn gọi là Tư Cang, nguyên Thư ký cố Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Võ Văn Kiệt cho hay: “Bình hy sinh không biết bao nhiêu! Cái gì mà làm nên con người nó khiến tôi đến giờ cũng chưa suy nghĩ được hết!… Xây dựng Bảo tàng Biệt động nhân dân từ chính tâm huyết, nguồn lực của gia đình, chứ không phải đi xin Nhà nước, không xin Nhà nước một cái gì hết, thì đó là một việc rất lớn… Từ tay không, chính người con của chiến sỹ biệt động năm ấy đã nâng niu, xây dựng được bao nhiêu điểm di tích để lại cho những thế hệ sau biết đến và trân trọng. Nếu không có cái “tâm”, có “tình” và cả “trí” cùng một niềm tin sắt đá thì không thể kiên trì, theo đuổi được đến tận bây giờ”.

Nói về chuỗi di tích đã được lưu giữ, phục dựng hiện nay, bà Vũ Minh Nghĩa, hay còn gọi là Chính Nghĩa, cựu nữ biệt động Sài Gòn cho biết: “Tôi là người đầu tiên hay tin Bình sẽ làm Bảo tàng Biệt động, tôi rất mừng. Tôi nói với Bình, đó là ý tưởng của con, nhưng đó cũng là nguyện vọng của các cô, các chú trong lực lượng biệt động”. Từ sau giải phóng, Bình thường xuyên hỏi ý kiến của bà Nghĩa về các hiện vật, kỷ vật anh tìm được. Bà là lính trực tiếp dưới sự chỉ huy của ba anh, cũng là người chứng kiến từng sự trưởng thành, phát triển của chuỗi di sản. “Bình hy sinh cái riêng tư để bảo vệ nền tảng của cách mạng, trong đó có lực lượng biệt động. Chúng tôi chỉ có ý chí, mong mỏi, những lời tư vấn, động viên còn người hành động, dám bắt tay vào thực hiện chính là Bình”, bà Nghĩa vừa nói vừa rưng rưng.

Anh Trần Vũ Bình chia sẻ, làm di sản không phải là ý định ban đầu của anh, mà xuất phát từ tuổi thơ cơ cực, tủi nhục với nỗi ám ảnh “không có ba”, sống với người mẹ nghèo trong vai “vợ bé giật chồng” tại những căn hầm tối, nên anh uất hận quyết tìm cho được “ba tôi là ai, ba tôi làm cái gì mà để gia đình tôi khổ nhục như vậy?”. Nhiều lần anh nổi loạn, dọa tự tử, bỏ nhà ra đi, chỉ vì uất ức của người con không ba, sự bồng bột, thiếu chín chắn của tuổi trẻ. Rồi bao nhiêu cảm xúc, sự hãnh diện như vỡ òa khi anh phát hiện mình có ba, không những thế ba anh là C trưởng Biệt động Sài Gòn. Với những thành tích xuất sắc, “Biệt động Sài Gòn” đã được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng – Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời – Trung kiên bất khuất”. Từ những bí mật chưa bao giờ bật mí của ba, anh đã đeo đuổi, cất công lặn lội tìm hiểu, dành cả cuộc đời tận tụy, gắn bó với những người đồng đội đáng kính của ba anh, với những chiến công, di tích, kỷ vật của “Biệt động Sài Gòn” lưu giữ cho tới ngày nay.

Anh Trần Vũ Bình chia sẻ, gần 50 năm qua, anh một mình lặng lẽ, ban ngày anh đi học rồi đi làm ở công sở, ban đêm về lén lấy tư liệu của ba ra đọc, mày mò tìm kiếm thông tin về những hiện vật, các điểm di tích. Có những đêm anh không về nhà mà tới ở tại những căn nhà giao liên, di tích, garage sửa chữa xe ôtô của ba năm xưa… Có khi anh tới thẳng những căn hầm bí mật nơi ba anh đã từng cất giấu vũ khí, tiền vàng… phục vụ cho cách mạng. Bao nhiêu tiền vàng làm ra, anh đều dành để mua, hoặc chuộc lại những hiện vật, những tư liệu và thậm chí những địa điểm nhà di tích.

Hầu hết, những địa điểm hoạt động của Biệt động năm xưa đều ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh như quận 1, quận 3, quận 10, Phú Nhuận… giá mỗi căn nhà ít nhất cũng vài chục tỷ đồng. Anh vận động gia đình dốc hết tiền của để chuộc lại. “Mua không được, chuộc không được, thì đổi, thì năn nỉ. Tiền không có một lúc thì xin trả góp, thì vay nợ, nhưng nhất định không để mất hiện vật, mất di tích” - Anh Bình tâm sự: “Vợ tôi lúc đầu không đồng tình với việc bàn giao nhiều di tích trị giá cả trăm tỷ đồng cho Nhà nước. Cô ấy đã ký đơn ly hôn, nhiều lần dẫn con về ở đằng ngoại. Không chỉ giận tôi vung tay đầu tư vào di tích không hiệu quả, cô ấy giận nhất vì tôi không dành thời gian cho gia đình. Cô ấy giận nói, cô ấy phải hiến chồng cho di tích, rồi lại hiến di tích cho Nhà nước. Gia đình tôi lục đục nhiều năm qua, nhưng tôi chấp nhận, thậm chí chấp nhận cả việc hy sinh gia đình nhỏ của mình. Bởi vì gia đình có thể cùng nhau vun đắp lại, nhưng lịch sử thì không, các chứng nhân biệt động mất rồi thì không còn cơ hội nữa”.

Giấc mơ của anh Bình và các cô chú Biệt động Sài Gòn đã thành hiện thực khi chuỗi bảo tàng đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Họ không chỉ viết nên những huyền thoại về “Biệt động Sài Gòn” trong quá khứ, mà còn viết nên câu chuyện huyền thoại của hiện tại và tương lai. “Bảo tàng Biệt động ra đời trong sự hãnh diện và tự hào của gia đình tôi và các cô chú biệt động. Vợ tôi đã hiểu ra và không giận nữa. Mẹ tôi được nhìn thấy tôi về nhà mỗi ngày. Các con tôi cũng hào hứng tham gia gìn giữ và phát triển nó” - anh Bình chia sẻ.

Nói về những hoạt động của bảo tàng, bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: Bà được vinh dự chứng kiến ngày khai trương Bảo tàng Biệt động Sài Gòn khi còn làm Bí thư Quận ủy quận 1. Khi đó, bà có dịp được đỡ từng cô chú biệt động đi xuống bảo tàng. Diễn tả lại cảm xúc của mình, bà Châu nhấn mạnh: “Mỗi bước chân run rẩy của các cô chú làm cho mình thấy trách nhiệm của mình càng nặng hơn bao giờ hết”. Đây có lẽ cũng là lý do khiến bà Châu trân trọng, ủng hộ, phát động, chỉ đạo nhiều hoạt động liên quan tới Biệt động Sài Gòn, như hoạt động tham quan của học sinh; hoạt động đoàn, đội, hội; chọn sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương…

Trần Vũ Bình – Quá nửa đời tận tụy với di sản Biệt động Sài Gòn
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang - Biệt động Sài Gòn – Gia Định tại Bảo tàng Biệt động.

Đối với Trần Vũ Bình, bà Châu cho rằng anh không chỉ là người có trách nhiệm với truyền thống gia đình, với cha ông, mà còn có tấm lòng đáng quý với thế hệ trẻ, gìn giữ những di sản đáng tự hào cho tương lai. Thông qua Bảo tàng Biệt động, anh muốn truyền lại cho thế hệ sau di sản vô giá của lực lượng biệt động, tinh thần chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc của cha ông. “Việc làm của anh Trần Vũ Bình rất đáng trân trọng” – Bà Châu nói.

Không chỉ vậy, đại tá Nguyễn Đức Xê, Nguyên Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Quân khu 7 cũng nhận xét rằng, Trần Vũ Bình là một người đặc biệt, khiến nhiều người khâm phục. Ông cho hay, trong chương trình Ký ức người lính mà ông tham gia thực hiện, chắc chắn sẽ có một loạt bài viết về Biệt động Sài Gòn, Bảo tàng Biệt động và cả những cống hiến của gia đình Trần Vũ Bình. Đại tá rất trân trọng sự nỗ lực, quyết tâm, nhẫn nại bằng tất cả tấm chân tình của anh Bình trong hành trình tạo dựng Bảo tàng Biệt động cho hiện tại và tương lai.

Đã quá nửa đời tận tụy với “Biệt động Sài Gòn”, nhưng Trần Vũ Bình khẳng định sẽ không dừng lại. “Tôi sẽ còn làm nữa, cống hiến cho tới hơi thở cuối cùng. Trên thế giới có thể có nhiều chuỗi bất động sản như nhà hàng, khách sạn, chứ không thể có chuỗi di sản Biệt động Sài Gòn như ở Việt Nam. Đây là chuỗi di sản có một không hai trên thế giới, là niềm tự hào mà gia đình tôi và các cô chú biệt động Sài Gòn dành cả tâm huyết, trí lực, cống hiến cả cuộc đời để lại cho các thế hệ sau”.

Minh Khôi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load