Chủ nhật 12/05/2024 08:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Khai thác kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng

08:36 | 22/04/2023

(Xây dựng) – Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã họp sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Quảng Ninh: Khai thác kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chủ trì hội nghị.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét và đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2011-2021, tỷ trọng bình quân giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển chiếm khoảng 20%, một con số khá cao so với mục tiêu của cả nước đến năm 2030 theo Nghị quyết 36-NQ/TW là 10%.

Riêng giai đoạn 2019-2021, tỷ trọng này là 17,22%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2020 của các ngành kinh tế biển của Quảng Ninh khá cao, khoảng 8,6%, xấp xỉ mức tăng trưởng bình quân chung của toàn tỉnh. Tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển giai đoạn 2019-2022 là 128.969 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng thu nội địa toàn tỉnh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW trong giai đoạn 2019-2022 là 42.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,62%.

Trên cơ sở đánh giá kết quả 3 năm thực hiện phát triển kinh tế biển, để tiếp tục đánh thức tiềm năng, thế mạnh của biển, đặc biệt là triển khai có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh là “Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững”, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước; phù hợp với các chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 15.

Mục tiêu hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước. Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo công nghệ cao, hiệu quả và bền vững để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển; quy hoạch không gian ven biển, ven bờ cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh.

Ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển; chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, cảng biển, phát triển du lịch biển đảo và nuôi trồng hải sản. Một số ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ cảng biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển… phát triển còn nhiều hạn chế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo; thành lập tổ chuyên trách nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết mới về phát triển kinh tế biển. Trong đó, phải bám sát vào Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định 80 của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cập nhật những bối cảnh mới để xây dựng một nghị quyết đủ mạnh để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load