(Xây dựng) - Nhìn từ bề ngoài của các khu đô thị mới (KĐTM) nói chung và KĐTM Vựng Đâng, KĐTM Cao Xanh - Hà Khánh A (TP Hạ Long, Quảng Ninh) nói riêng, ít ai biết được rất nhiều bất cập liên quan đến hạ tầng kỹ thuật điện-nước đang cần nhiều cơ quan chung tay tháo gỡ.
Nhìn toàn cảnh, các dự án bất động sản của Công ty 507 tại Quảng Ninh tuyệt đẹp, nhưng bên trong lại chứa ẩn một “bài toán” khó giải về điện – nước. (Ảnh chụp dự án Vựng Đâng bên bờ vịnh Hạ Long thơ mộng).
Tại Dự án Vựng Đâng, KĐTM Cao Xanh - Hà Khánh A, Công ty Xây dựng Công trình 507 thi công xong từ năm 2005 với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có điện và nước. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ dân chưa chịu bàn giao đất cho Công ty thi công hoàn thiện dự án, nghiệm thu, quyết toán nên Công ty 507 chỉ tạm bàn giao được 07 trạm biến áp và hạ tầng điện cho ngành điện để vận hành, quản lý. Nói thì đơn giản vậy nhưng việc bàn giao chẳng đơn giản chút nào vì ngành điện cũng không mặn mà khi mà hạ tầng kỹ thuật chưa xây dựng hoàn chỉnh, số hộ dân dùng lác đác, khó quản lý… Thậm chí ngành điện còn khước từ khi thấy không đảm bảo an toàn. Lâu ngày không được sử dụng, hệ thống điện của dự án đã xuống cấp. Thêm nữa, khi nhận “tạm” bàn giao thì tài sản vẫn thuộc quyền quản lý của chủ dự án, trách nhiệm liên đới quản lý và vận hành lại thuộc về ngành điện, khác nào “ôm vạ vào thân”… Rốt cuộc là chính người dân xin cung cấp điện lại gặp khó khăn vì ngành điện từ chối câu, mắc do hạ tầng chưa đảm bảo an toàn.
Sau cả chục năm, hạ tầng điện đã xuống cấp phải thi công lại mà chưa có hướng dẫn của các cơ quan chức năng vì tiêu chuẩn đã thay đổi.
Nay, công việc giải phóng mặt bằng, thi công coi như đã hoàn tất và đi vào công đoạn nghiệm thu, quyết toán của Dự án. Tuy nhiên, một sự trớ trêu, một bài toán khó giải giữa các cơ quan với nhau lại phát sinh như sau:
Nếu chủ Dự án là Công ty 507 sửa chữa, khắc phục, thay mới lại các hệ thống điện đã xuống cấp theo tiêu chuẩn cũ của ngành điện (được Sở Xây dựng đã phê duyệt thiết kế từ khi dự án được xây dựng), thì nay tiêu chuẩn mới của ngành điện đã thay đổi. Ví dụ: Theo tiêu chuẩn cũ thì công tơ điện được lắp đặt tại các hộ gia đình nhưng nay lại chuyển đưa công tơ về các tủ tập trung, do vậy yêu cầu tủ phải có kích thước to hơn thì mới lắp đặt được công tơ (điều này không đúng với thiết kế đã được Sở Xây dựng phê duyệt). Ngành điện nhận bàn giao xong lại dỡ bỏ, rút tiền Nhà nước ra đầu tư mới chăng? Nếu chủ đầu tư đồng ý theo tiêu chuẩn mới của ngành điện thì vừa tốn tiền vừa sai thiết kế đã được phê duyệt từ chục năm trước và nếu tự ý thay đổi thiết kế thì làm sao nghiệm thu? Xin duyệt lại thiết kế mới có dễ dàng không, tốn phí ai chịu? Nói gì đi chăng nữa thì cuối cùng là Nhà nước phải chịu thiệt hơn ai hết bởi lẽ tất cả những chi phí đầu tư cho hạ tầng điện chủ đầu tư đều được Nhà nước khấu trừ. Tuy nhiên, nếu cứ thay sửa theo thiết kế cũ mà ngành điện chấp thuận nhận bàn giao rồi lại dỡ bỏ, đầu tư theo quy chuẩn mới thì càng lãng phí hơn bao giờ hết.
Những hộp kỹ thuật điện này phải thay mới nhưng sau đó có thể lại hủy bỏ vì lắp đặt theo thiết kế cũ đã được phê duyệt, giờ đã lỗi thời.
Không riêng gì hạ tầng điện, hạ tầng nước tại dự án KĐTM Cao Xanh - Hà Khánh A cũng đang rất bất cập như: theo thiết kế ban đầu thì thiết kế được phê duyệt theo tiết diện đường ống nhỏ, nay theo tiêu chuẩn mới đã thay đổi nên một số kết cấu tiêu chuẩn thay đổi, đường kính ống cấp nước phải lớn hơn so với quy chuẩn cũ. Lại một lần nữa nếu chủ đầu tư không lắp đặt lại hệ thống cấp nước theo tiêu chuẩn mới, có nguy cơ ngành nước không nhận bàn giao vì khi vận hành không đủ sản lượng nước cung cấp cho khu dân cư. Hoặc là ngành nước lại đầu tư lại từ đầu… Và cùng giống như hạ tầng điện, chủ đầu tư lại phải tự thân vận động xin thay đổi thiết kế, tự móc tiền túi đầu tư mới hạ tầng nước trong khi phải hủy hạ tầng nước đã xây dựng. Như vậy, sự lãng phí này khó có thể được Nhà nước khấu trừ còn chủ đầu tư khó có thể hạch toán vào các chi phí khác được.
Hạ tầng nước cũng “chịu chung số phận” với hạ tầng điện khi các tiêu chuẩn đã thay đổi sau 10 năm.
Tóm lại, tự xin thay đổi thiết kế, tự “móc hầu bao” đầu tư theo quy chuẩn mới của ngành điện, ngành nước thì chủ đầu tư chắc chắn sẽ là người thiệt thòi. Nếu chủ đầu tư cứ theo cái lý mà làm, tức là theo thiết kế cũ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì ngành điện, ngành nước lại là đơn vị chịu “quả đắng”. Nói gì đi chăng nữa, tựu chung 03 đơn vị: Công ty 507, ngành điện, ngành nước tại Quảng Ninh đều là những doanh nghiệp có vốn Nhà nước, tồn tại những bất cập trên, Nhà nước ít nhiều đều phải gánh chịu hậu quả.
Như trên đã nói, không riêng gì dự án Vựng Đâng, dự án KĐTM Cao Xanh - Hà Khánh A tại TP Hạ Long, mà rất nhiều dự án bất động sản khác trên cả nước trong tình trạng xây dựng “xuyên thế kỷ” đều gặp phải những bất cập trên. Và dư luận cho rằng chỉ có chính quyền cấp tỉnh, các cơ quan chức năng cấp tỉnh chung tay vào cuộc giải “bài toán” này mới có thể giảm thiểu lãng phí cho Nhà nước, cho xã hội.
Văn Nguyễn
Theo