(Xây dựng) - Từ nút giao khu Đồn Điền, đoạn đường 10 làn xe trên Quốc lộ 18, bắt vào cặp đường đôi 6 làn xe, dải phân cách cứng chạy thẳng tắp hết tầm mắt đến Khu du lịch Bãi Cháy là đường Hoàng Quốc Việt nhiều người đã biết. Nhưng đây là con đường đầu tiên được đầu tư bằng nguồn lực ngoài ngân sách với quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam thì còn ít người biết đến.
Giao lộ đường 10 làn xe với đường Hoàng Quốc Việt tại khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu. |
Vào đầu thập kỷ 90, tuy đã có trên 10 năm đổi mới, nhưng thực tế ở địa phương vẫn còn nặng dư âm nền kinh tế chỉ huy bao cấp, chưa hoàn chỉnh cơ chế thị trường. Các công trình hạ tầng công cộng vẫn dựa vào ngân sách nhà nước cấp nên rất hạn chế việc phát triển kinh tế - xã hội. Khi ấy, tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 1990-1995, đứng đầu là ông Hà Văn Hiền - Bí thư Tỉnh ủy thuộc lớp người xuất thân từ giai cấp công nhân vùng mỏ vốn có truyền thống cách mạng, đã năng động đề suất với Đảng và Nhà nước cho phép tỉnh Quảng Ninh thí điểm “đổi đất lấy công trình”, tức là giao cho tư nhân xây dựng một công trình hạ tầng, đổi lại cho họ hưởng một diện tích đất tương ứng với số tiền đầu tư vào công trình đó, để kinh doanh hạ tầng đô thị theo quy hoạch mới.
Đường dài trên 4.000m, rộng 42m, 6 làn xe. |
Được Đảng và Nhà nước chấp thuận, Quảng Ninh đã “lặn lội” đến các trung tâm kinh tế lớn trong nước như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi nhà đầu tư. Chật vật lắm mới chiêu dụ được trên chục nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng (khi ấy chưa có cụm từ kinh doanh bất động sản). Nhưng phần nhiều là đến rồi lại đi, họ tháo lui vì Quảng Ninh là vùng đất bán sơn địa ven biển, nguồn thu nhập chủ lực là sản xuất than, cảng biển, xuất nhập khẩu. Du lịch thì bãi biển Bãi Cháy chỉ hoạt động theo thời vụ. Ngay chính mùa hè trên mặt vịnh cũng chỉ có 2 chiếc tàu tên là tàu Vượt Sóng I, Vượt Sóng II của Công ty Du lịch Quảng Ninh và 1 tàu của dịch vụ thăm biển thuộc ngành Công đoàn Việt Nam.
Con đường và khu đô thị mới quy hoạch kiến trúc hài hòa, phù hợp cảnh quan môi trường. |
Nhà đầu tư tâm huyết trụ lại đếm chưa hết trên đầu ngón tay của một bàn tay. Cụ thể còn 4 nhà đầu tư trong đó có 2 doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Licogi, Tổng Công ty Cienco 5; tư nhân thì có doanh nhân Đoàn Quốc Việt, Đào Hồng Tuyển.
Ông Đào Hồng Tuyển nhận công trình xây dựng con đường nối đảo Tuần Châu với đất liền. Ông Đoàn Quốc Việt nhận định công trình xây dựng con đường tắt bãi triều sình lầy, thuộc địa bàn xã đảo Hùng Thắng đến Khu du lịch quốc tế Bãi Cháy.
Cả hai công trình ngày đầu xây dựng đều như ném tiền xuống biển. Công việc quay đê lấn biển nhọc nhằn lại thường gặp rủi ro do thời tiết. Nhiều khi hôm trước vừa đổ trăm khối đất xuống bãi triều còn rõ hình hài con trạch đất, chỉ sau một đêm biển động, sóng biển đã san phẳng.
Nhiều dịch vụ du lịch 5 sao phát triển bên trục đường. |
Con đường do Tập đoàn BIM của ông Đoàn Quốc Việt khởi công vào cuối năm 1991, chiều dài trên 4.000m, rộng 42m, 6 làn xe, đường hai chiều, dải phân cách cứng trồng hoa, vỉa hè mỗi bên rộng 5m là đại lộ lớn nhất Quảng Ninh, được nhiều lần sử dụng biển diễn thực cảnh lễ hội Carnaval Hạ Long. Con đường không chỉ có giá trị về giao thông, còn tạo tiền đề mở rộng quỹ đất phát triển đô thị với dự án có tổng quy mô 248ha, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.
Con đường là trục giao thông xương sống, tạo động lực cho đô thị 248ha phát triển. |
Con đường như trục xương sống, động lực phát triển Khu đô thị Đông Hùng Thắng; khu biệt thự cao cấp tách biệt và biệt thự liền kề; các dịch vụ du lịch như trung tâm dịch vụ du lịch Inter Continental Halong Bay Resort & Residences; khu khách sạn khu nghỉ dưỡng 5 sao với 175 phòng; bộ sưu tập giới hạn 41 biệt thự và 60 căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp; khu phức hợp Halong Marina... Mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật, quy hoạch xây dựng dự án với 3 hòn đảo nhân tạo dạng san hô là sự tổng hòa các công trình mỹ thuật.
Đường Hoàng Quốc Việt nay vừa tròn 3 thập kỷ đặt nền móng xây dựng mà như mới vẫn là một con đường trong chuỗi các con đường đẹp ở Quảng Ninh. Một con đường đầu tiên ở Quảng Ninh và toàn quốc được đầu tư bằng nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời từng là cở sở để Đảng và Nhà nước “dóng thước” xây dựng cơ chế chính sách về xã hội hóa đầu tư công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là một trong ba mũi nhọn đột phá chiến lược đưa đất nước đi lên.
Ông Hà Văn Hiền (người thứ 3 từ trái sang phải) nghe ông Đoàn Quốc Việt báo cáo tiến độ thi công con đường tại hiện trường. |
Đường Hoàng Quốc Việt là điểm đầu cho những con đường được đầu tư bằng nguồn lực ngoài ngân sách ở Việt Nam. Người đặt nền nóng cho công trình này là ông Hà Văn Hiền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc Hội và hưu trí). Công trình có những giá trị giải được bài toán kinh tế khó trong thời điểm lịch sử, khi mà nền kinh tế “bao cấp chưa qua - cơ chế thị trường chưa đến”.
Tuy nay có khác, phần do nền kinh tế thị trường đã định hình rõ ràng, phần đây đó cơ chế đầu tư PPP, BOT... có biến dạng còn phải chấn chỉnh. Nhưng,Quảng Ninh vẫn kế thừa tinh hoa mốc son công trình đầu tư bằng nguồn lực ngoài ngân sách, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, chi 1 đồng ngân sách kéo theo 8 đồng ngoài ngân sách, tạo ra nhiều công trình động lực lớn, đưa lại kinh tế - xã hội.
Điểm khởi đầu phương châm xã hội hóa, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào các công trình giao thông trọng điểm, động lực ở Quảng Ninh và toàn quốc, đó là đường Hoàng Quốc Việt, con đường còn ẩn tích nhưng vẫn đang tỏa sáng giá trị sử dụng, khởi thủy một mô hình đầu tư của ngành Xây dựng Việt Nam.
Vũ Phong Cầm
Theo