(Xây dựng) - Công trình nâng cấp con đường bao vịnh Hạ Long ở bờ Tây sông Cửa Lục được nhiều người biết tới bởi đây được xem là con đường bao bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng đây chính là con đường được thực hiện bằng việc huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, vận dụng cơ chế đổi đất là công trình.
Ban đêm con đường lung linh trong ánh sáng đèn, từ trên cao nhìn xuống hiển hiện một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật. |
Mặt đường bóng nhẫy màu mun, 6 làn xe chạy, mỗi đoạn dải phân cách cứng là những tiểu cảnh, bồn hoa tươi tốt rực rỡ sắc màu, rung rinh trong gió. Vỉa hè phía trong rộng 5m lát đá xẻ nguyên khối, ánh màu thạch nhũ hòa quyện với nét kiến trúc mỹ thuật của những tòa biệt thự sang trọng của dãy phố nổi tiếng, phố giàu nhất Quảng Ninh. Vỉa hẻ phía ngoài rộng gấp 6 lần phía trong, kiểu cách kiến trúc vừa là đường thả bộ vừa là công viên, nơi nghinh phong vọng cảnh. Hè đường sát biển, nước triều rút xuống ở mức thấp nhất (nước ròng) tàu thuyền nhỏ vẫn áp mạn được sát bờ. Xa xa, trong tầm mắt, những khối núi nhấp nhô nhìn như những hòn non bộ khổng lồ trồi lên từ đáy nước sâu, cảm giác như quả núi phập phồng trên ngọn sóng. Công trình xây dựng với số vốn đầu tư trên 680 tỷ đồng.
Cựu chiến binh Phạm Khắc Định, ở phường Bãi Cháy có nhận xét, Quảng Ninh sớm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư xây dựng, nêu diện mạo đô thị thay đổi nhanh. |
Con đường như dải lụa mềm uốn theo bờ di sản vịnh Hạ Long, từng được Tạp chí Huffington post, một tờ tạp chí có uy tín của Mỹ bình chọn Hạ Long là 1 trong 10 địa danh có đường bờ biển đẹp nhất hành tinh. Cảnh trên bến dưới thuyền, gối sơn là một đô thị mới rợp bóng cây xanh, nhiều cây tiền tỷ như cây xưa trắng và cây hoa ban đỏ, giống cây quý ở vùng Tây Bắc bốn mùa hoa nở. Đạp thủy, là vùng biển nước sâu, lặng sóng, thạch động, bờ biển đẹp nhất trong các vùng biển Việt Nam.
Ông Hà Văn Hiền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng vợ là Phan Thị Thảo thăm thành quả lao động của mình ngày còn công tác, đã nối đảo Tuần Châu với đất liền. |
Ông Trần Dịch, lão thành cách mạng ở khu 4, phường Hà Trung, thành phố Hạ Long ở tuổi bách niên, nheo nheo đôi mắt già nua nhìn lên một mỏm cao lô nhô những hòn non bộ khổng lồ trên mặt biển. Miệng nói đứt đoạn của người già, nhưng cũng đủ nghe vắn tắt, nơi ấy là cọc tiêu điểm chuẩn hướng 34 của các cỗ pháo phòng không thuộc Trung đoàn 217 hồi chiến tranh, mà ông làm Tham mưu trưởng Trung đoàn. Vị lão thành cách mạng bảo, nay địa mạo phần đất liền có khác, còn núi đá và biển vẫn danh sơn thủy mạc. Cốt con đường này ngày ấy là bãi triều ngập mặn, gồ lên những đống xít thải của nhà máy nhiệt điện cột 5. Vạt đất vượt ra phía đầu đường là phế tích công trình mở đường lên đồi thông cột 2 làm công viên thanh niên, đất đồi vàn xuống làm sân vận động, chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Ninh (Khi ấy, ông Nguyễn Thọ Chân làm Bí thư Tỉnh ủy khi công trình đang xây dựng dở thì quân Mỹ không kích khu mỏ, đành bỏ hoang). Đoạn cuối đường là một xóm chài cổ, thuộc xã Hùng Thắng, có nguồn gốc từ làng thủy cư Trúc Võng.
Quy mô đường mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe, mặt đường từ 17m lên 28-32m. |
Đầu thập kỷ 80, khu vực này chỉ độc đạo một con đường QL18, nhưng còn nhỏ hẹp và tuyến đường sắt vận tải than bám theo chân đồi, xóm núi dân cư thưa thớt. Trung tâm đô thị được xác định ở Hòn-Gay, gồm mấy dãy phố nhỏ lưu dùng từ thời Pháp thuộc, nhưng cũng không còn nguyên vẹn bởi bom đạn chiến tranh bắn phá hủy diệt.
Khi ấy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã phôi thai đến cây đòn seo, bảy hòn đá tảng nền kinh tế cũ (bao cấp) bằng kết cấu hạ tầng. Tháo gỡ khó khăn khi ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn hẹp, bằng cách vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm theo ánh sáng đổi mới của Đảng. Quảng Ninh là địa phương đi đầu toàn quốc về huy động các nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng đường sá, đô thị, tạo môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.
Con đường bao biển (cột 5 cột 8) này là một trong số các tác phẩm đầu tay của Tỉnh ủy Quảng Ninh áp dụng cơ chế đổi đất lấy công trình. Khi ấy ông Hà Văn Hiền làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Hiền đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ninh như: Tổng Công ty Licogi - thuộc Bộ Xây dựng; Tổng Công ty Cienco5 - thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Tập đoàn BIM; Tập đoàn Âu Lạc... Các nhà đầu tư lớn, như những đầu tàu lôi kéo, thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển. Nhà đầu tư lớn, tạo ra những công trình xây dựng lớn như: Con đường nối đảo Tuần Châu với đất liền, đường Hoàng Quốc Việt mở rộng Khu đô thị Đông Hùng Thắng; đường bao biển Vựng Đâng kéo theo Khu đô thị mới Cao Xanh, tạo nền móng cho quy hoạch vịnh Cửa Lục là trung tâm kinh tế lớn ở thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam.
Con đường này vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành giai đoại II (nâng cấp mở rộng), nguyên là thành quả đầu tiên huy động nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng. Nay con đường mới đã bao trùm lên con đường cũ, nhưng những người định cư lâu năm ở đây vẫn nhớ hình dáng con đường cũ là một công trình đẹp, còn có giá trị mở rộng không gian đô thị.
Vỉa hè phía ngoài, xây dựng theo công nghệ đóng cọc cừ bê tông dự ứng lực, kè sát mép nước như bông tông cầu cảng, khi nước triều rút xuống ở mức thấp nhất tàu thuyền nhỏ vẫn áp mạn được sát bờ. |
Theo Kiến trúc sư Trần Dũng, cán bộ gạo cội trong ngành Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Con đường này xây dựng đưa vào sử dụng năm 2011. Ban đầu gọi là Đường bao biển cột 5, cột 8, đến năm 2015 thì đổi tên là đường Trần Quốc Nghiễn. Quy mô đường 2 chiều, dài 4.580m, lòng đường mỗi chiều rộng 7,5m, dải phân cách giữa 2m, vỉa hè phía trong rộng 5m, vỉa hè phía ngoài biển rộng 9m. Cốt đường vượt ra dạng quai đê mái nghiêng kết hợp với bệ phản áp, đá rối chắn sóng... đây được xem là công nghệ phổ biến thời ấy, giá trị đầu tư là 163 tỷ đồng (thời giá 2011). Công trình trải qua trên 10 năm sử dụng, tuyến đê bao không bị sạt lở, lún thụt, đứt gãy, mặt đường vẫn phẳng phiu, mắt thường cũng thấy chất lượng tốt.
Dân địa phương sớm chiều đổ ra đây thả bộ, thư giãn, còn tổ chức luyện tập dưỡng sinh tập thể, một công trình xây dựng đạt nhiều mục đích. |
Đường Trần Quốc Nghiễn vốn dĩ đã bền đẹp, nay lại được chau chuốt, hiển hiện một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật bên bờ vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quy mô đường mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe, mặt đường từ 17m lên 28-32m. Vỉa hè phía ngoài, xây dựng theo công nghệ đóng cọc cừ bê tông dự ứng lực, kè sát mép nước như bông tông cầu cảng, hình thành một sân thượng nghinh phong khổng lồ. Một con đường vọng cảnh ven biển níu chân du khách. Dân địa phương sớm chiều đổ ra đây thả bộ, thư giãn, còn tổ chức luyện tập dưỡng sinh tập thể, một công trình xây dựng đạt nhiều mục đích.
Đường Trần Quốc Nghiễn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và cắt băng khánh thành giai đoại II, một con đường công chúng hòa quyện lòng dân, ý Đảng. Công trình còn được kết tinh các giá trị văn hóa, những tác phẩm đầu tay của Đảng bộ Quảng Ninh thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho xây dựng, khởi đầu cơ chế đổi đất lấy công trình dưới ánh sáng đổi mới của Đảng.
Công trình rất đáng được tạc vào lịch sử về một chặng đường từ Đại hội đến Đại hội, nhiệm kỳ công tác của Đảng bộ Quảng Ninh.
Vũ Phong Cầm
Theo