(Xây dựng) - Mặc dù bão số 3 đã suy yếu nhưng hoàn lưu của bão gây mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo lốc xoáy đã làm ngập úng và sạt lở đất nguy hiểm ở nhiều nơi trên địa bàn Quảng Ninh, địa phương đang “gồng mình” khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn ân cần thăm hỏi các hộ dân trong vùng ngập lụt ở huyện Ba Chẽ. |
Sáng 26/8, bão số 3 đã suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực rộng lớn vùng Đông Bắc bộ (Quảng Ninh). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25-26/8 toàn tỉnh có mưa to đến rất to, gió phổ biến đạt cấp 4-5. Khu vực Móng Cái, Cô Tô gió cấp 5-6, giật cấp 8. Lượng mưa từ 19h ngày 25/8 đến 6h ngày 26/8 tại một số điểm trên địa bàn tỉnh ở ngưỡng 76,8mm; trong đó, thành phố Cẩm Phả và thị xã Đông Triều mức nước cao nhất là 299,4mm.
Lãnh đạo huyện Bình Liêu chỉ đạo công tác khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 tại tuyến đường Bình Liêu - Húc Động. |
Trước đó, để ứng phó với cơn bão số 3, tỉnh đã ra các Văn bản, Công điện chỉ đạo; cấm biển từ 12h ngày 25/8; kiểm tra công tác chống bão các địa bàn huyện Vân Đồn, Ba Chẽ. Các địa phương trong tỉnh thành lập Đoàn công tác do lãnh đạo địa phương làm Trưởng đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó trên địa bàn.
Sạt lở đất nghiêm trọng ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long. |
Quảng Ninh đã đề nghị Bộ đội Biên phòng bắn 32 quả pháo hiệu tầm cao kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú tại các điểm quy định. Lực lượng vũ trang địa phương với 1.510 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ cùng với sự chi viện của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng trên địa bàn gồm: 14 xe ôtô, 6 tàu, 22 xuồng và các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ được huy động vào chống chọt, khắc phục hậu quả thiên tai.
Lực lượng phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn đã kêu gọi kịp thời được toàn bộ 496 tàu thuyền vận tải, khai thác hải sản tuyến khơi về nơi tránh trú bão an toàn và đảm bảo an toàn khu nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, đến 16h ngày 25/8/2022, trên 6.250 chiếc tàu to nhỏ cá cả tuyến khơi và tuyến ven bờ đã neo đậu an toàn; 14.502 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã chủ động gia cố dây neo và đưa trên 1.000 ngư dân rời biển lên bờ đề phòng bất trắc .
Uông Bí có 321 hộ bị ngập lụt, trong đó 38 hộ bị ngập sâu người và tài sản được di dời kịp thời nơi an toàn ngay trong đêm. |
Gần 4.000 khách du lịch ra thăm hải đảo Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long được thông tin về bão để chủ động phương án ứng phó. Trong ngày 25/8/2022, đã đưa 500 khách du tuyến đảo về bờ an toàn, còn lại 364 khách có nhu cầu ở lại đảo, địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên hải đảo tiếp đón chu đáo.
Tuy nhiên, tại thành Hạ Long đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ tại các phường Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Hà Khánh, xã Dân Chủ…; sạt lở cục bộ 10 điểm tại phường Hùng Thắng, Hà Khẩu, Hồng Hải, Bãi Cháy, Yết Kiêu, Hà Trung… Phường Giếng Đáy mức độ sạt lở đất nghiêm trọng nhất. Thành phố đã di dời các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đến vị trí an toàn; gãy đổ khoảng 50 cây xanh trên một số tuyến phố.
Cẩm Phả đại lụt lại tái diễn tại Km135+500 đường QL18 (dốc Đèo Bụt) thuộc phường Quang Hanh. |
Các thành phố: Cẩm Phả đại lụt lại tái diễn tại Km135+500 đường QL18 (dốc Đèo Bụt) thuộc phường Quang Hanh; Uông Bí sạt lở cục bộ tại phường Vàng Danh, Bắc Sơn và xã Thượng Yên Công; Móng Cái gãy đổ hơn 120 cây xanh trên các tuyến phố, 20 cột điện khu dân cư, ngập khoảng 14ha lúa, màu; ngập cục bộ khu vực Hải Hòa.
Tỉnh Quảng Ninh đã khai thông nhanh đường sá giao thông, thống kê mức độ thiệt hại để hỗ trợ các hộ dân bị thiên tai sớm ổn định đời sống, khôi phục cơ sở sản xuất ngay khi bão tan.
Vũ Phong Cầm
Theo