(Xây dựng) - Với chủ trương phát triển đô thị vệ tinh gắn với đô thị trung tâm thành phố Quảng Ngãi, xu hướng dịch chuyển ra các vùng phương cận để khai thác quỹ đất rộng, xây dựng không gian sống chất lượng cho cư dân dự báo đang và sẽ tiếp tục diễn ra.
Dời về đô thị vệ tinh – xu hướng tất yếu
Quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030 là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi; là một trong những trung tâm kinh tế khu vực miền Trung về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và đặc biệt là hậu phương quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển KTT Dung Quất.
Theo quy hoạch này, thành phố Quảng Ngãi sẽ có diện tích 14.230,3ha, gồm khu vực thành phố hiện hữu và khu vực mở rộng về phía Nam và phía Đông, bao gồm 08 xã, 01 thị trấn thuộc huyện Sơn Tịnh và 01 xã, 02 thị trấn thuộc huyện Tư Nghĩa. Các khu vực mở rộng được xem là các đô thị vệ tinh giúp gia tăng năng suất lao động cũng như tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cộng hưởng giá trị cho thành phố trung tâm.
Đến nay, Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm gồm: Cầu Thạch Bích, cầu Cửa Đại, đập dâng sông Trà Khúc, tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, Hoàng Sa – Trường Sa và phát triển hệ thống giao thông kết nối hướng tâm. Các tuyến đường này vừa làm nhiệm vụ kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố Quảng Ngãi, đồng thời kích thích chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế các đô thị phía Nam và phía Đông của tỉnh, từ nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sang công nghiệp - dịch vụ, đặc biệt là hạ tầng.
Theo Báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ngãi, hiện địa phương có hơn 100 dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong và ngoài tỉnh thực hiện, trong đó, phần lớn tập trung tại khu vực phía Nam và Đông thành phố.
Sunfloria City - một trong những dự án nổi bật tại phía Nam Quảng Ngãi với hệ thống hạ tầng và tiện ích đồng bộ. |
Trong bối cảnh quỹ đất ở trung tâm thành phố ngày càng hạn hẹp, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn vùng phương cận còn thưa dân như một hướng đi hoàn toàn mới. Hướng đi này của các chủ đầu tư cũng thuận theo chiến lược phát triển các thành phố vệ tinh của Quảng Ngãi, nhằm giảm áp lực cho khu vực trung tâm về hạ tầng, môi trường và giao thông.
Các chuyên gia nhận định, đầu tư tại đô thị vệ tinh sẽ tiếp tục là “từ khóa” chính của các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư trong thời gian tới. Và đây là quá trình không chỉ diễn ra ngày một ngày hai, mà là triển vọng dài hơi cho các thị trường địa ốc phương cận thành phố.
Tư Nghĩa – Tâm điểm thị trường mới nổi
Huyện Tư Nghĩa nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố Quảng Ngãi và có đến hai thị trấn (La Hà và Sông Vệ) với tốc độ phát triển khá nhanh. Với diện tích quy hoạch 205,4967 km², quỹ đất của Tư Nghĩa được đánh giá rất dồi dào, hơn nữa giá đất còn ở mức thấp, nhiều dư địa tăng giá như kỳ vọng của các nhà đầu tư hay người mua ở thực.
Đặc biệt, cụm công nghiệp La Hà và Trường Đại học Tài Chính Kế Toán đến nay thu hút hàng ngàn người về học tập, làm việc. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về chỗ ở, là cơ sở để bất động sản Tư Nghĩa chuyển mình mạnh mẽ.
Quyết định số 599 ngày 07/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Tư Nghĩa, định hướng phát triển khu vực này trở thành vùng kinh tế hiện đại. Trong đó, thị trấn La Hà là đô thị động lực, có mối liên kết chặt chẽ với thành phố trung tâm, đồng thời có vị trí đặc biệt quan trọng trong chuỗi các đô thị Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Tư Nghĩa - Mộ Đức - Đức Phổ. Theo đó, La Hà sẽ trở thành một đô thị mới năng động về kinh tế, có sức cạnh tranh cao, tập trung các dịch vụ công nghiệp, thương mại, du lịch.
Quy hoạch thị trấn La Hà sẽ trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của huyện Tư Nghĩa. |
Bên cạnh đó, Tư Nghĩa cũng đang dồn sức để nâng cấp La Hà phát triển trở thành đô thị vệ tinh vùng phía Nam thành phố Quảng Ngãi trong tương lai. Đến nay, các trục đường lớn mở ra đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị La Hà như: Đường trục chính phía Đông thị trấn La Hà, tuyến La Hà - Nghĩa Thuận, La Hà - Thu Xà...
Đáng chú ý, UBND huyện đã bố trí vốn xã hội hóa đối nối trục 32m nối thành phố Quảng Ngãi – La Hà – Sông Vệ tạo ra trục chính kết nối đô thị. Khi tuyến đường này hình thành sẽ là cơ sở để thành phố Quảng Ngãi mở rộng khu đô thị về phía Nam, đồng thời Tư Nghĩa cũng sẽ thuận lợi trong việc phát triển các khu dân cư dọc tuyến, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội huyện phát triển.
Được biết, giai đoạn 2020 – 2021 dòng vốn hàng tỷ đô sẽ được rót vào Tư Nghĩa để thực hiện nâng cấp và chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án khu đô thị kết hợp công nghiệp quy mô 500 ha tại Nghĩa Thương; dự án khu phức hợp của VinGroup quy mô 300 ha; dự án khu phức hợp thương mại, công nghệ, đô thị của Đất Xanh Miền Trung quy mô 200 ha; dự án bệnh viện quốc tế quy mô 80 ha; công trình khu dân cư, công viên, hồ điều hòa và quảng trường huyện khoảng 12,9 ha; Trung tâm thương mại BigC, Coopmart…
Trong đó, Công trình khu dân cư, công viên, hồ điều hòa và Quảng trường huyện Tư Nghĩa có tổng vốn đầu tư lên đến 147,5 tỷ đồng hứa hẹn sẽ tạo nên sức bật cho thị Trấn La Hà trong thời gian tới.
KDC An Điền Phát đang là dự án hưởng lợi nhất từ chủ trương đầu tư trục liên tỉnh 32m và công trình công viên, quảng trường huyện Tư Nghĩa. |
Những dự án này sẽ tạo nên diện mạo mới của huyện Tư Nghĩa, là đòn bẫy làm tăng giá bất động sản khu vực, đồng thời là cơ sở để Tư Nghĩa hiện thực hóa kế hoạch trở thành đô thị vệ tinh kiểu mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tiện ích, hướng tới mục tiêu đưa Quảng Ngãi trở thành đô thị loại I của cả nước.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, xu hướng giãn dân và xây dựng đô thị vệ tinh là chủ trương lâu dài, vì vậy trong nhiều năm tới, Tư Nghĩa với những lợi thế vượt trội sẽ tiếp tục là tâm điểm đầu tư và là điểm đến chủ yếu của cư dân thành phố, giới chuyên gia nước ngoài và công chức, viên chức… về sinh sống, làm việc tại đây.
Diễm Thủy
Theo