(Xây dựng) - Ba đạo Luật được thông qua và có hiệu lực, nhiều điểm mới và được đánh giá sẽ tạo không gian cho sự phát triển của thị trường BĐS, đồng thời giải quyết khó khăn, đảm bảo thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Năm bản lề của thị trường BĐS
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2024 được đánh giá là năm bản lề của thị trường BĐS Việt Nam, nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành.
Thị trường BĐS Việt Nam trải qua 1 năm đầy biến động với hàng loạt sự kiện nổi bật. Cụ thể, giá chung cư Hà Nội tăng phi mã; Các phiên đấu giá đất Hà Nội liên tiếp nổi sóng thời điểm nửa cuối năm 2024; Các Luật mới về BĐS có hiệu lực sớm 5 tháng; Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023; Hà Nội và TP.HCM công bố bảng giá đất mới; NƠXH đón nhận tín hiệu tích cực; Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại…
Kết thúc quý I/2024, lượng lớn các môi giới BĐS, sàn giao dịch quay trở lại thị trường khi các chủ đầu tư bắt đầu triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt chính thức mở bán trở lại. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Bước sang quý II/2024, đà phục hồi của thị trường tiếp tục được duy trì, nguồn cung và lượng giao dịch trong quý tăng trưởng mạnh, lần lượt gấp 3 và gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, thông tin các bộ Luật liên quan đến thị trường BĐS là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2024, Luật Kinh doanh BĐS 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm đã tiếp thêm niềm tin cho các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực BĐS sẵn sàng tái nhập cuộc.
Sang đến quý III/2024, các quy định pháp lý về nhà ở, đất đai và kinh doanh BĐS được chính thức “bấm nút” có hiệu lực, loại bỏ tâm lý “trước giờ G” của thị trường. Thị trường bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu “tăng nhiệt". Phân khúc căn hộ giá tăng, thiết lập mặt bằng mới trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trong quý IV/2024, trước sự “ấm lên” của thị trường, nhiều chủ đầu tư BĐS thay đổi kế hoạch, “tung hàng” sớm hơn dự kiến, kèm nhiều chính sách ưu đãi, giúp nguồn cung nhà ở vượt dự báo. Nguồn cung BĐS nhà ở năm 2024 tăng trưởng mạnh theo năm, ngày càng nhiều các dự án quy mô lớn mở bán vào cuối năm, cùng các chính sách thanh toán ưu đãi, linh hoạt.
Theo CBRE, năm 2024, lĩnh vực BĐS công nghiệp tiếp tục là “điểm sáng” trong tổng thể thị trường BĐS. Trong suốt năm qua, các nhà sản xuất toàn cầu lớn như Samsung, LG, Foxconn, Hyosung và Nestle đã công bố kế hoạch mở rộng và khởi động nhiều dự án tại nhiều khu vực khác nhau ở Việt Nam. Cam kết mạnh mẽ trong việc mở rộng sản xuất của các đơn vị này, minh chứng bằng giải ngân vốn FDI đạt mức kỷ lục lịch sử 25 tỷ USD, là động lực cho kết quả tích cực của BĐS công nghiệp Việt Nam trong năm qua.
Nhận định lạc quan về thị trường năm 2025
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) dự báo: Thị trường năm 2025 tiếp tục thiếu nguồn cung dự án BĐS mới, thiếu nguồn cung nhà ở thương mại và NƠXH dẫn đến giá nhà vẫn neo cao. Giá nhà tăng liên tục trong các năm qua là do nguồn cung dự án nhà ở thương mại quá ít dẫn đến nguồn cung nhà ở thương mại tiếp tục khan hiếm theo quy luật cung - cầu với mức tăng giá căn hộ chung cư vào khoảng 15 - 20% trong giai đoạn 2015 - 2023 và còn có thể tăng 15 - 20% trong năm 2025.
Ông Nguyễn Quốc Anh - chuyên gia BĐS nêu: Từ quý IV/2024 đến quý II/2025 là khoảng thời gian thị trường bước sang giai đoạn củng cố. Nhà đầu tư dần yên tâm hơn với triển vọng phát triển của ngành địa ốc. Phân khúc chung cư lúc này sẽ nhường lại vị trí tâm điểm cho nhà riêng, nhà phố.
Sau giai đoạn này, thị trường sẽ tiến tới thời điểm khởi sắc, dự kiến bắt đầu từ quý II/2025 đến quý IV/2025, nhà đầu tư không quá đặt nặng yếu tố giá bán, pháp lý như thời điểm thị trường ảm đạm. Thay vào đó, tiềm năng tăng giá mới là mấu chốt quyết định xuống tiền. Những phân khúc sinh lời tốt như đất nền và biệt thự dự án được nhà đầu tư đặc biệt chú ý.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2025, thị trường sẽ theo đà để mạnh dạn tiến vào chu kỳ mới, bất chấp một số khó khăn, trở ngại còn "sót" lại. Nhiệt của thị trường sẽ tỏa dần đều hơn giữa các khu vực. Trong đó, khu vực miền Bắc vẫn tiếp tục sức nóng, khu vực miền Nam sẽ có dấu hiệu tăng nhiệt rõ rệt.
Đối với phân khúc BĐS nhà ở, nguồn cung dự báo tăng trưởng, vẫn được đóng góp chủ yếu bởi các đại đô thị vùng ven. Ước tính nguồn cung BĐS tại Hà Nội và các đô thị vệ tinh đạt khoảng 37.000 sản phẩm, TP.HCM và vùng ven ước tính đạt khoảng 18.000 sản phẩm. Nguồn cung BĐS nhà ở giảm bớt sự phân hóa theo khu vực.
Phân khúc BĐS công nghiệp vốn đã sáng lại càng sáng hơn trước các tín hiệu tích cực đến từ kết quả phục hồi của nền kinh tế, cũng như những cơ hội mở ra từ nhiều "đại bàng" trên thế giới quyết định chọn Việt Nam là "bến đậu".
Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có thêm tín hiệu tích cực, đặc biệt là sản phẩm condotel bắt đầu có các dự án đang hoạt động được cấp sổ. Phân khúc BĐS thương mại, văn phòng duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Kiến Tài
Theo