(Xây dựng) – Hàng loạt không gian phát triển mới, các trục giao thông tạo kết nối liên vùng được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép bổ sung vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tư Nghĩa sẽ mở ra cơ hội rất lớn để địa phương này khai phá tiềm năng, thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai… cũng như xây dựng thành công các đô thị vệ tinh kiểu mẫu kế bên đô thị trung tâm – Thành phố Quảng Ngãi.
Tư Nghĩa nằm ở vùng phát triển phía Nam thành phố Quảng Ngãi, được trợ lực đáng kể trong việc phát triển đô thị, dịch vụ. |
Quy hoạch xây dựng vùng là việc tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Do đó, với Tư Nghĩa - Một địa phương nằm ở phía Nam đô thị Quảng Ngãi, có cấu trúc không gian và hạ tầng đô thị chưa hoàn thiện, dư địa phát triển và quỹ đất còn tương đối lớn, hơn nữa lại có nhiều công trình hạ tầng mang tính bước ngoặt đang được triển khai xây dựng trên địa bàn… thì việc định hình một cách bài bản và tổ chức các không gian phát triển phù hợp với đặc thù địa phương, có định hướng từ lúc sơ khai là việc làm hết sức cần thiết.
Đường Phan Đình Phùng nối dài đang được triển khai xây dựng, tương lai gần sẽ trở thành cửa ngõ phía Nam thứ 2 của thành phố Quảng Ngãi. |
Đi vào từng khu vực cụ thể, quỹ đất phát triển đô thị, với quy mô khoảng 1.395ha đã được bổ sung vào Quy hoạch vùng huyện Tư Nghĩa để tập trung xây dựng và phát triển các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ, làm cơ sở quy hoạch, phát triển, cũng như mở rộng và tạo vùng đệm cho hai đô thị La Hà và Sông Vệ.
Cùng với đó, quỹ đất phát triển dân cư, dịch vụ và du lịch, có quy mô khoảng 530ha tại hai xã Nghĩa Hòa và Nghĩa Hiệp cũng được bổ sung để hiện thực hóa các quy hoạch cần có, từng bước xây dựng các không gian đô thị, dịch vụ du lịch hiện đại dọc hành lang tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh đang được đầu tư xây dựng, chạy dọc và kết nối các xã phía Đông của huyện.
Khu vực Nghĩa Trung đang sở hữu quỹ đất rất lớn, có đủ không gian để phát triển các loại hình đô thị, dịch vụ và giáo dục phục vụ dân cư. |
Phát triển hạ tầng luôn được xem là chìa khóa để mở ra các không gian phát triển mới, tận dụng các nguồn lực đất đai để tái đầu tư. Do đó, tuyến đường dẫn cao tốc kéo dài về phía Đông kết nối với đường Vành đai 2 thành phố Quảng Ngãi; đường nối từ Cụm công nghiệp La Hà đến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh rộng 21m và đường Nghĩa Kỳ đi Quảng Phú (thành phố Quảng Ngãi) đã được bổ sung vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tư Nghĩa nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo kết nối để khơi dậy động lực phát triển của địa phương.
Vùng lõm đô thị La Hà đang được dành nguồn lực lớn để đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị theo hướng hoàn thiện hạ tầng, khớp nối với các trục liên kết. |
Quy hoạch đón đầu các công trình hạ tầng thể hiện tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển nghiêm túc và lâu dài. Vì vậy, các khu vực phát triển dân cư mới tận dụng thế mạnh hạ tầng, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương… sẽ mang lại hiệu quả to lớn, tạo động lực phát triển bền vững, lâu dài.
Các vị trí quy tụ dân cư trong tương lai hứa hẹn sẽ khai thác triệt để lợi thế xuất phát từ nguồn lực đầu tư công, cũng như cảnh quan và tiện ích lân cận nhằm thu hút cư dân và nhà đầu tư. Trong đó, khu vực dọc theo trục đường từ Cụm công nghiệp La Hà đến đường Dung Quất - Sa Huỳnh thuộc hai xã Nghĩa Thương và Nghĩa Hiệp sẽ nằm giữa đô thị hiện hữu và đô thị phát triển mới, cộng hưởng hạ tầng để đô thị hóa từ cả hai phía.
Việc tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển đô thị Là Hà xứng tầm cần được quan tâm hơn nữa. |
Đường Phan Đình Phùng nối dài băng qua khu đô thị nghìn tỷ Bàu Giang đang triển khai và nối với đường dẫn cao tốc Bắc – Nam, một mặt tạo ra cửa ngõ phía Nam thứ 2 cho thành phố Quảng Ngãi, đồng thời như một sợi dây kéo cả khu vực phía Tây đô thị La Hà nói riêng và cả huyện Tư Nghĩa nói chung hòa nhịp phát triển năng động với thành phố. Trong tương lai gần, toàn bộ xã Nghĩa Trung và vùng phụ cận sẽ đón một nguồn lực đầu tư rất lớn kể cả trong và ngoài ngân sách… từ đó nhanh chóng hình thành đô thị cửa ngõ thành phố.
Cầu Trà Khúc 3 bắt qua sông Trà Khúc, nối trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới – Quốc lộ 24B ở bờ Bắc với phần phía Tây của huyện Tư Nghĩa ở bờ Nam, công trình khi hoàn thành sẽ tạo dư địa phát triển mới, bước đệm cần thiết cho quá trình phát triển đô thị cho cả đôi bờ. Do đó, các mô hình phân bố dân cư dọc đường dẫn công trình thuộc địa phận xã Nghĩa Thuận, cũng như các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng và cả Nghĩa Lâm sẽ thu hút được sự quan tâm không nhỏ.
Quỹ đất đủ lớn dành cho giáo cũng được bổ sung, khi quy mô dân số của địa phương này được dự báo sẽ tăng đột biến trong thời gian tới, do quá trình phát triển đô thị. |
Ngoài ra, khu vực Nghĩa Hòa có giới cận tiếp giáp phía Đông Nam và lâu nay được xem như một vùng đô thị mở rộng của thành phố Quảng Ngãi, bên cạnh đó còn sở hữu cho riêng mình lợi thế về du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng. Đồng thời quỹ đất hình thành sau khi đầu tư tuyến đường Nghĩa Kỳ đi Quảng Phú rộng 21m sẽ đem đến nhiều lợi thế phát triển dân cư cho xã Nghĩa Kỳ, địa phương giáp ranh phía Tây thành phố Quảng Ngãi vốn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Vì vậy, cả hai khu vực được định hướng phát triển dân cư trong thời gian tới đều đã được nhận diện tiềm năng, thế mạnh một cách kỹ lưỡng.
Nghĩa Kỳ - Vùng đô thị mở rộng phía Tây của thành phố Quảng Ngãi. |
Huyện Tư Nghĩa có diện tích hơn 206km2, dân số khoảng 130.000 người, có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó có 2 thị trấn. Lợi thế lớn nhất của Tư Nghĩa mà không địa phương nào có được là rất gần với vùng lõi đô thị Quảng Ngãi, nơi tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Ngãi, cự ly di chuyển giữa hai đô thị lớn – nhỏ này chỉ mất chưa đến 10 phút. Do đó, có rất nhiều nhà phát triển bất động sản đã chọn địa phương này để tận dụng hấp lực trong đầu tư, phát triển đô thị, cung cấp không gian “sống ở huyện nhưng hưởng tất cả các tiện ích của thành phố”, khi khoảng cách chỉ là một con sông, cây cầu.
Nhiều công trình hạ tầng tạo “cú huých” đang được triển khai trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, trong đó có cầu Trà Khúc 3. |
Bên cạnh việc có cả Quốc lộ 1, đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam và đường ven biển đi qua giúp kết nối địa phương với tất cả các tỉnh thành, vùng miền trong cả nước, Tư Nghĩa còn đang sở hữu quỹ đất rất thuận lợi và phù hợp cho việc phát triển các loại hình đô thị, dịch vụ, du lịch, giáo dục… nên không có gì lạ khi thời gian tới, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư khắp nơi đổ về đây, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị, dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng… theo định hướng đã được vạch ra trong các quy hoạch.
Lê Danh
Theo