(Xây dựng) – Tết này, người dân phố núi Di Lăng nói riêng và cả huyện Sơn Hà nói chung ai ai cũng nức lòng và tấm tắc khen ngợi khi bộ mặt đô thị trung tâm huyện nhà được làm mới, lan toả khí thế vui tươi, phấn khởi.
Vượt 300km từ Huế về Sơn Hà ăn Tết, anh Hùng dừng chân tại đồi Ni – Khu vực cửa ngõ được xem là “cổng chào” của thị trấn Di Lăng để chụp những bức ảnh đầu tiên khi công trình này đang ở giai đoạn hoàn thiện trước thềm Tết Nguyên đán Giáp thìn. “Đầu năm tôi đi chưa thấy làm cái này, giờ về thấy đẹp quá. Vài tháng nữa, cây cối ra lá, nở hoa chắc chỗ này sẽ đẹp lắm”, người con Sơn Hà xa quê dành lời khen. |
“Vài năm trở lại đây Di Lăng đổi thay thấy rõ, đô thị đã sạch, sáng và đẹp hơn trước” là cảm nhận của nhiều người dân phố núi khi chia sẻ với Phóng viên Báo Xây dựng vào những ngày giáp Tết. |
Hình ảnh tươi mới của Di Lăng hiện tại được khởi phát từ việc Công viên Di Lăng - không gian công cộng giữa lòng đô thị, mảng xanh đối diện các cơ quan đầu não của huyện được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp theo hướng đồng bộ và hài hoà với không gian kiến trúc cảnh quan hiện hữu. |
Công trình được triển khai thực hiện từ tháng 7/2023, là sản phẩm đến từ sự nỗ lực, quyết tâm của huyện Sơn Hà trong việc tranh thủ nguồn lực của tỉnh hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư cải tạo, chỉnh trang vùng lõi đô thị… nhằm đem đến diện mạo khởi sắc cho Trung tâm chính trị - hành chính của địa phương; kiến tạo cho người dân một không gian sinh hoạt cộng đồng, văn hoá và thể dục - thể thao đúng nghĩa. |
Toàn bộ công viên hiện trạng và khu vực lân cận đã được làm mới; vỉa hè khu vực trung tâm cũng được thay mới cùng với hệ thống điện chiếu sáng, trang trí và cây xanh, thảm cỏ cảnh quan. Công trình lập tức phát huy hiệu quả đầu tư, được người dân hồ hởi đón nhận, là địa điểm lý tưởng để tổ chức thi công những công trình, cụm công trình trang trí theo chủ đề vào dịp Lễ, Tết. |
Trong bối cảnh nguồn lực chưa thể thu xếp, thiết chế quảng trường của đô thị loại V này chưa được đầu tư thì toàn bộ hàng rào của Nhà văn hoá - Thiếu nhi huyện Sơn Hà đã được tháo bỏ. Từ đây, một khoảng sân Hội đã được thiết lập, liên thông với không gian công viên trung tâm phía đối diện để hình thành một địa điểm tổ chức các sự kiện chính trị, văn hoá, giải trí và tuyên truyền cho địa phương, người dân dễ dàng tiếp cận. |
Khối nhà chính cũng được đầu tư kinh phí sửa sang, làm mới toàn bộ, phục vụ tốt hơn nhu cầu tổ chức các sự kiện, trưng bày trong nhà; giới thiệu và quảng bá hình ảnh, con người Sơn Hà và sản vật Sơn Hà đến với bạn bè gần xa. |
Thị trấn Di Lăng được công nhận là đô thị loại V vào năm 2017, với tính chất là Trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện Sơn Hà; đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm của tiểu vùng kinh tế phía Tây tỉnh Quảng Ngãi, được quy hoạch xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị loại IV. |
Đến nay, đô thị Di Lăng đã đạt được 39/49 tiêu chuẩn của các tiêu chí đô thị loại IV, tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,19%. Trong năm 2024, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung cải thiện các tiêu chuẩn còn đang bị thiếu, như: Đầu mối giao thông, tỷ lệ đất giao thông; tỷ lệ nước thải đô thị; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị … |
Quy hoạch chung Thị trấn Di Lăng là cơ sở để địa phương phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết hợp phát triển không gian đô thị và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc đồng bào dân tộc Hrê, bảo vệ môi trường. |
Việc lập, triển khai các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thị trấn Di Lăng đã được UBND huyện Sơn Hà xác định danh mục rõ ràng, định hướng các khu vực có chức năng chuyên biệt; trên cơ sở bám theo các Quy hoạch chung, phân khu và chi tiết. Từ đó xác định thứ tự đầu tư xây dựng, tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển. |
Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện trong việc phát huy mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sơn Hà đã tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng; trong đó vùng lõi đô thị được chọn làm hạt nhân đầu tư, từ đó lan toả ra các khu vực lân cận, các địa phương khác trong toàn huyện. |
Hạ tầng kết nối liên vùng đã tạo bàn đạp để thị trấn Di Lăng bức phá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. |
Bên cạnh ngoại lực, địa phương cũng chủ động thu xếp và bố trí nội lực để đầu tư triển khai các công trình, dự án nhằm khớp nối hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả mà những công trình khung, công trình động lực mang lại. |
Trong đó, Dự án đường tránh Tây thị trấn Di Lăng là một minh chứng cụ thể. Tuyến đường mở mới hoàn toàn này có chiều dài tuyến 3,5km, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng như một vòng tay ôm trọn đô thị Di Lăng hiện trạng. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ hình thành trục giao mới để chia sẻ lưu lượng phương tiện với khu vực trung tâm, thông qua lộ trình Quốc lộ 24B – Đường tránh Tây – Cầu Sông Rin mới để đi huyện Sơn Tây và các tỉnh Tây nguyên. |
Tuyến đường còn giúp khai phá và mở rộng không gian đô thị Di Lăng về phía Tây, là cơ hội để địa phương hiện thực hoá các Quy hoạch và định hướng phát triển, cũng như khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, phát triển đô thị, dịch vụ. |
Công trình kè từ cầu Sông Rin đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Sơn Hà có tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, vừa hoàn thành vào những ngày cuối cùng của năm 2023 đã khớp nối hạ tầng và góp phần hoàn thiện cảnh quan ven sông cho thị trấn Di Lăng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác quỹ đất trong thời gian tới, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Gần 9km đường ĐH.77 nối trung tâm Di Lăng với xã Sơn Bao nơi có công trình Hồ chứa nước Nước Trong đang được huyện Sơn Hà đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng. Khi hoàn thành, ngoài việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, thông thương hàng hoá của người dân, con đường còn là bàn đạp để Sơn Hà phát triển, kêu gọi phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tận dụng lợi thế sẵn có mà công trình lưỡng dụng được ví như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” mang lại. |
Khu dân cư Cà Tu được hình thành cách đây hơn 1 thập kỷ, mang trên mình sứ mệnh kiến thiết đô thị và phát triển quỹ đất để tái đầu tư vào các công trình hạ tầng địa phương. Sau nhiều giai đoạn phân kỳ đầy tư, đến nay khu dân cư này đã phát huy được vai trò kéo giãn đô thị Di Lăng, hình thành các cụm dân cư mới đồng bộ hạ tầng, tạo nguồn lực quan trọng cho địa phương. Trong thời gian tới, huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục đầu tư, đồng thời kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư phát triển đô thị tại khu vực này. |
Dịch vụ công ích đô thị với trọng tâm là công tác thu gom rác thải, chăm sóc cây xanh và duy trì hệ thống điện chiếu sáng được thực hiện xuyên suốt đã tạo nên hình ảnh thay da, đổi thịt cho đô thị vùng cao. Đây là yếu tố đã góp phần thôi thúc người dân địa phương thay đổi thói quen sinh hoạt, chung tay cùng với chính quyền xây dựng Di Lăng xanh, sạch đẹp, văn minh và hiện đại. |
Trao đổi với Phóng viên Báo Xây dựng, bà Đinh Thị Trà – Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho rằng, diện mạo khởi sắc của Di Lăng hôm nay là thành quả của sự quan tâm đúng mức của Đảng bộ, các cấp chính quyền, cùng sự đồng hành và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân địa phương. “Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng Di Lăng phát triển xứng tầm, gia tăng hơn nữa những tiện ích công cộng để người dân thụ hưởng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân huyện nhà”, bà Trà nói. |
Lê Danh
Theo