Thứ hai 29/04/2024 05:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Nam có 89 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới

10:32 | 21/02/2024

(Xây dựng) - Tỉnh Quảng Nam phấn đấu duy trì số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2024-2025 và nâng chuẩn 112 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025.

Quảng Nam có 89 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới
Tỉnh Quảng Nam sẽ phấn đấu duy trì số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2024-2025.

89 xã chưa đạt chuẩn NTM theo tiêu chí mới

UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025.

Sau nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Quảng Nam đạt được con số ấn tượng với 130/193 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, khi áp theo tiêu chí mới, hơn 2/3 số xã chưa đạt chuẩn NTM.

Tính đến năm 2024, Quảng Nam có 4 đơn vị cấp huyện (tỉ lệ đạt 22,2%); 123/193 xã đạt chuẩn NTM (tỉ lệ 63,47%). Bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh Quảng Nam (193 xã) theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,42 tiêu chí/xã.

Trong 112 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2020 trở về trước có 61 xã chưa đảm bảo duy trì theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025. Trước năm 2022, số xã chưa đảm bảo lên đến 98 xã, hầu hết các xã đều chưa duy trì từ 1-2 tiêu chí.

Việc xây dựng NTM ở các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Nam có thể thấy rằng chưa bền vững. Không chỉ chưa đạt chuẩn do một số chỉ tiêu tăng thêm mà chưa đạt cả tiêu chí đang duy trì và nâng chuẩn. Dù vậy, Quảng Nam chưa có xã nào nằm trong khung phải thu hồi quyết định công nhận xã NTM theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho hay, qua rà soát, toàn tỉnh có đến 89 xã chưa đạt chuẩn NTM khi áp bộ tiêu chí mới.

Ông Tấn cho hay, mỗi xã thiếu hụt 1, 2 hoặc 3 tiêu chí nhưng theo quy định pháp luật thì vẫn duy trì xã NTM. Chỉ tiêu các xã chưa đạt chuẩn như: Khám sức khỏe điện tử (đạt 30% trở lên), phải có sản phẩm OCOP, thu nhập tăng thêm (3.000.000 đồng/người/năm)...

Trong báo cáo sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 của tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn Ký đã xác định nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ.

Khó khăn điển hình gắn với đời sống người dân là các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III xuống khu vực I, sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, chế độ cho sinh viên...).

Trong khi đó, điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, việc đạt chuẩn NTM mới ở mức tối thiểu theo quy định, phần cắt giảm này chủ yếu cho con người, nên việc thu hút cán bộ về công tác tại vùng này rất khó.

Từ đó, tỉnh Quảng Nam cho rằng mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn NTM gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Bộ tiêu chí mới tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn. Các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM thì năm sau sẽ chưa đạt ngay các tiêu chí do chênh lệch tiêu chí giữa hai vùng Trung du miền núi phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ tương đối cao.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng chỉ ra, Bộ tiêu chí NTM mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của tỉnh (như hỏa táng, nước sạch từ công trình tập trung, khám bệnh từ xa…).

Theo ông Ngô Tấn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn những bất cập. Các xã miền núi đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội. Nhưng khi đạt chuẩn NTM, người dân sẽ thôi hưởng chính sách này.

Quảng Nam có 89 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới
Tỉnh Quảng Nam có 89 xã chưa đạt chuẩn NTM theo tiêu chí mới.

Đầu tư 1,3 nghìn tỷ giai đoạn 2024-2025

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024-2025, mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn NTM; đồng thời, duy trì, nâng chuẩn 112 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 154 xã/193 xã, chiếm tỷ lệ 80%.

Có thêm ít nhất 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đồng thời, duy trì 6 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016-2020 để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 lên ít nhất 64 xã, chiếm tỷ lệ ít nhất 40%.

Tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, có thêm ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đồng thời, duy trì 1 xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2016-2020, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 lên ít nhất 16 xã, chiếm tỷ lệ ít nhất 10%. Đến năm 2025, không còn xã dưới 15 tiêu chí, không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM (hiện nay còn huyện Nam Giang chưa có xã đạt chuẩn NTM).

Phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Hội An hoàn thành nhiệm vụ NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM lên 8-9 đơn vị cấp huyện. Huyện Phú Ninh, Duy Xuyên: Hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2025 trước tháng 6/2025 (trình UBND tỉnh trước ngày 30/6/2025).

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tổng số thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu đạt tỷ lệ ít nhất 60%, trong đó miền núi đạt ít nhất 50% số thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Dự kiến, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh Quảng Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn 2024- 2025 là 1.307 tỷ đồng, trong đó năm 2024 là 726,276 tỷ đồng và năm 2025 là 581,332 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; các phong trào, mô hình: “Dân vận khéo”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, “Thanh niên tình nguyện”; “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Giỏ rác đồng ruộng”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Tuyến đường tự quản”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, “Tuổi cao - gương sáng”… qua đó tiếp tục làm thay đổi nhận thức phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm bằng phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ để phát động phong trào xây dựng hạ tầng ở nông thôn, nhất là những công trình như đường giao thông, môi trường, cảnh quan nông thôn, nhà văn hóa thôn…

Xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi trong xây dựng NTM từ năm 2024 để làm cơ sở tổ chức cuộc thi trên địa bàn cấp huyện, xã, làm cơ sở để lựa chọn thi cấp tỉnh đầu năm 2025; các huyện, xã chủ động bố trí ngân sách cấp mình để tổ chức cuộc thi cấp huyện, xã. Đồng thời, nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho các Hội đoàn thể để tổ chức thi các nội dung gắn với nhiệm vụ của Hội khi tham gia xây dựng NTM.

Thanh Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load