(Xây dựng) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang triển khai 13 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, với tổng vốn đầu tư 207,600 triệu USD, trong đó vốn ODA 164,792 triệu USD và vốn đối ứng 42,807 triệu USD.
Đoàn công tác Bộ Xây dựng kiểm tra khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ. |
Hoàn thiện hạ tầng đô thị
Các dự án cơ bản triển khai thực hiện đúng quy trình chặt chẽ từ cơ sở, có sự tham gia tích cực của người hưởng lợi, phù hợp với mục tiêu viện trợ. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Một số dự án đến nay vẫn duy trì bền vững chất lượng công trình và vận hành tốt như: Chương trình nước sạch Unicef; Dự án Thủy lợi Thượng Mỹ Trung (ADB); Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (IFAD); Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được (nguồn vốn Hàn Quốc); Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới; Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung tỉnh Quảng Bình (ADB+ AFD); Dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (KFW- Đức); Dự án Đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (WB5)…
Những dự án ODA thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã đưa vào sử dụng phát huy kết quả, tạo thêm tư liệu sản xuất, ổn định và tăng năng lực sản xuất, năng suất, thu nhập, phát triển kinh tế hộ một cách ổn định, bền vững, cải thiện điều kiện sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Dự án lĩnh vực giao thông đã được triển khai phù hợp với chiến lược phát triển giao thông Việt Nam đến năm 2020 để phát triển, quản lý tốt mạng lưới đường địa phương nhằm tăng tính kết nối và bền vững của hệ thống giao thông dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn; Cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, thông thương hàng hóa giữa các vùng miền; Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh, góp phần không nhỏ vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dự án Cấp nước sinh hoạt do Chính phủ Hungary viện trợ đang phát huy hiệu quả tại 22 xã dọc sông Gianh. |
Dự án thuộc lĩnh vực môi trường - phát triển đô thị đã phát huy vai trò, hoàn thiện hạ tầng, giảm thiểu ngập lụt và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tại khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới, nâng cao chất lượng sống cho thị dân, kiến tạo cảnh quan đô thị.
Những dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân phải nói đến Dự án Cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch sử dụng vốn tín dụng ODA của Chính phủ Hungary, với tổng mức đầu tư hơn 28 triệu Euro, công suất 22.000 m3/ngày đêm, phục vụ việc cấp nước sạch sinh hoạt cho 22 xã dọc sông Gianh của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, bao gồm 2 giai đoạn. Hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành và đang cho thấy hiệu quả và Chính phủ Hungary cam kết tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư 15,7 triệu Euro. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12 xã, phường khu vực phía Bắc sông Gianh. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu vận động, thu hút vốn ODA đạt trên 250 triệu USD.
Cần đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn
Năm 2020, tỉnh Quảng Bình được Trung ương giao tổng số vốn vay nước ngoài là 703,538 tỷ đồng để thực hiện 17 dự án ODA. Đến hết năm, tỉnh phấn đấu giải ngân được 70% tổng số vốn Trung ương giao. Số vốn không thể giải ngân được trong năm cho các dự án ODA là 231,350 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư: Việc thực hiện các dự án ODA trên thực tế có những khó khăn, chế định, như: Cơ chế thủ tục, chính sách; Thủ tục ký thỏa thuận vốn vay lại; Đền bù giải phóng mặt bằng, chồng lấn mặt bằng thi công… Với số vốn không giải ngân được trong năm, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ điều chuyển cho các dự án khác nếu hoàn thành thủ tục điều chỉnh, bổ sung tại các bộ, ngành Trung ương và hoàn trả ngân sách.
Theo lý giải của Kho bạc Nhà nước tỉnh, các dự án vay vốn ODA giải ngân chậm ngoài lý do quy trình thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát làm mất nhiều thời gian thì mỗi dự án sẽ phải theo một quy định riêng, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.
Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn đang ở mức báo động về tiến độ thực hiện. |
Một số dự án đang thực hiện thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vốn và ký thỏa thuận vay lại của các dự án ODA có cấu phần vay lại kéo dài, làm các dự án đã được giao vốn nước ngoài nhưng không thể giải ngân được như: Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê - Công mở rộng giai đoạn 2…
Một số dự án ODA tiêu biểu đang gặp vướng do giải phóng mặt bằng hay chồng lấn diện tích như dự án Môi trường bền vững thành phố Đồng Hới và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới. Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn (do Chính phủ Đan Mạch viện trợ) đang ở mức báo động về tiến độ thực hiện (mới đạt hơn 66% tổng khối lượng gói thầu), mặc dù đã được gia hạn thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2020.
Trước vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu chính Suez và thị xã Ba Đồn cần khẩn trương hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng trong năm 2021.
Nhất Linh
Theo