(Xây dựng) - Sau quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tiến hành di dân vùng sạt lở đất ven sông Gianh lên nơi ở mới, nhiều khu vực ở huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) cuộc sống người dân đã ấm no, an toàn.
Khu tái định cư xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa hiện nay. |
Sức sống trên vùng đất mới
Khu tái định cư, giãn dân xã Thuận Hóa được thành lập theo Quyết định số 111/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt đề án tái định cư khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại do sạt lở đất huyện Tuyên Hóa. Được xây dựng hồi đầu năm 2021, trên tổng diện tích đất quy hoạch 13.375m2, với kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật được duyệt là hơn 9 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2021, 15 hộ dân được tái định cư dọn về làm nhà sinh sống trong những mái nhà mới san sát nhau. Chỗ ở mới an toàn với đầy đủ điện, nước sinh hoạt.
Anh Trần Minh Trường, thôn Thuận Tiến (xã Thuận Hóa) cho biết: Giờ cả trời mưa mọi người có thể yên giấc, không còn lo cảnh mỗi lần trời mưa cả nhà phải thức cả đêm vì lo sợ đất đá lở lúc nào không hay. Được bố trí đất làm nhà, các hộ dân đều được Nhà nước hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/hộ để dựng lại nhà mới, và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng hỗ trợ thêm 139,4 triệu đồng để kiên cố nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuyên Hóa cho biết: Với sự chỉ đạo của Huyện ủy - UBND huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND xã Thuận Hóa để tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư.
Quá trình triển khai, ngoài số tiền hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các hộ dân còn bổ sung thêm kinh phí để làm nhà khang trang hơn nên tiến độ có chậm lại. Đến cuối năm 2021 thì toàn bộ các hộ dân đã chuyển về nơi ở mới, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2022 vừa qua.
Tại xã Thạch Hóa, việc tái định cư cho 20 hộ dân bị sạt lở đất ven sông Gianh cũng đã được tiến hành xong. Theo đó, Khu tái định cư thôn Đạm Thủy 1 và 2, xã Thạch Hóa với tổng diện tích đất quy hoạch là 12.287m2, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật được duyệt là gần 7,3 tỷ đồng, đã được thi công hoàn thành và phân giao cho các hộ dân.
Hộ gia đình Đoàn Minh Trí bên căn nhà kiên cố, suất đầu tư hơn nửa tỷ đồng. |
Gia đình bà Mai Thị Xuân và ông Mai Xuân Thành là một trong những hộ đầu tiên dọn về nhà mới ở Khu tái định cư xã Thạch Hóa. Cũng như các hộ gia đình khác, ngoài được cấp 250m2 đất tại khu tái định cư, gia đình bà Xuân còn được hỗ trợ 139,4 triệu đồng để làm nhà ở. Nhờ đó, căn nhà cấp 4 với diện tích 60m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và khu vực bếp, vệ sinh, tổng chi phí hết 280 triệu đồng đã được xây dựng lên.
Bà Mai Thị Xuân (thôn Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa) chia sẻ: Đất ở, kinh phí dựng nhà, điện lưới, đường sá, nước sạch thì đã có Nhà nước lo, bà còn mình giờ chỉ lo làm ăn để kinh tế phát triển, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Bố trí thêm nguồn lực
Trong mùa mưa lũ năm 2022, UBND huyện Tuyên Hóa tiếp tục theo dõi sát tình hình sạt lở đất đá ven sông Gianh, để kịp thời di dân lên nơi an toàn. Theo đó, hầu hết các xã dọc sông Gianh của huyện này như Phong Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa và Thuận Hóa đều xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông và sạt lở đồi núi đất. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp khắc phục hiện trạng sạt lở nhưng chưa hiệu quả. Mưa lũ hàng năm càng làm cho sông "ăn" vào đường sá, đất đai của người dân.
Ông Đinh Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa chia sẻ: Trước mùa mưa bão hàng năm, huyện đều chỉ đạo các xã rà soát lại các điểm sạt lở dọc các sông, lập phương án di dời các hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng đề xuất, tham mưu lãnh đạo tỉnh bố trí nguồn lực xây dựng khu tái định cư phục vụ di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai để bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Nhất Linh
Theo