(Xây dựng) - Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020” từ ngày 22 - 25/9/2020.
Các doanh nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị đến từ 28 thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội để quảng bá tiềm năng các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đến các nhà nhập khẩu ngoài nước. |
Sự kiện nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam và kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vừa và nhỏ Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ tiềm năng ở thị trường nước ngoài trên môi trường trực tuyến, trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn xúc tiến thương mại với nước ngoài vì dịch Covid-19.
Trong khuôn khổ hội nghị, trên 150 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ giao dịch trực tuyến với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Các doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội nghị đến từ 28 thị trường xuất khẩu của Việt Nam gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Myanmar, Nhật Bản (châu Á); Anh, Belarus, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hungary, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ (châu Âu); Algeria, Cô-oét, Iran, Israel, Ma-rốc, UAE (châu Phi – Trung Đông); Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Hoa Kỳ, Mexico (châu Mỹ). Trong số này, Nhật Bản, Bangladesh, Angieria, Hồng Kông, Vương quốc Anh là những thị trường có số lượng nhà nhập khẩu tham gia đông đảo nhất.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị đến từ 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An và Quảng Ngãi.
Những ngành hàng được giới thiệu, quảng bá và giao thương tại hội nghị gồm: rau củ quả (tươi, khô, cấp đông...), gạo, đỗ, ngô, khoai, đồ uống (chè, cà phê, sữa, nước ép trái cây), bánh kẹo, thủy sản, hạt tiêu, quế, hồi, mì, miến...
Hội nghị sẽ bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương, kết nối trực tuyến 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam với từng nhà nhập khẩu tiềm năng theo phân nhóm mặt hàng và thị trường. Trong đó, Phiên hội nghị giao thương toàn thể diễn ra vào ngày 22/9/2020. Tại phiên này, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tìm hiểu triển vọng và xu hướng tiêu thụ nông sản, thực phẩm Việt Nam ở một số thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ nắm rõ hơn thông tin về tiềm năng, thế mạnh của nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Tại các phiên giao thương riêng diễn ra ngay sau phiên toàn thể và kéo dài đến hết ngày 25/9/2020, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp xúc trực tuyến 1:1 với những nhà nhập khẩu nước ngoài, chia theo nhóm ngành hàng và thị trường cụ thể.
Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, Cục Xúc tiến thương mại đã liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường. |
Đây là Hội nghị giao thương trực tuyến lớn nhất trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm được tổ chức từ trước tới nay, có sự kết nối đồng thời với nhiều thị trường nước ngoài. Thông qua Hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh vì lợi ích của các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho đa dạng sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 26,15 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%.
Trong bối cảnh trên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chuỗi cung ứng trong ngành nông sản, thực phẩm bị đứt gãy, trong khi nhu cầu thực phẩm không thuyên giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.
“Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài khi chúng tôi có nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh và kỳ vọng, qua Hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh vì lợi ích của các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho đa dạng sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Hạ Ly
Theo