(Xây dựng) – Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện theo cơ chế thị trường, phù hợp hơn với thực tiễn. Hệ thống công cụ quản lý ngày càng đồng bộ. 02 năm qua, không có công trình vi phạm được “xử phạt cho tồn tại”.
Đã 02 năm không có các công trình vi phạm trật tự xây dựng được “xử phạt cho tồn tại” kể từ sau thời điểm 15/01/2018. |
Công cụ quản lý đồng bộ
Kế thừa những thành tựu của nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Xây dựng đã và đang thực hiện hiệu quả 03 đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 200; Áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, góp phần tạo lập thị trường xây dựng cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch, hạn chế tham nhũng, thất thoát và lãng phí.
Kết quả, Bộ Xây dựng hoàn thành rà soát 16.005/16.005 định mức xây dựng đã công bố, trong đó loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức.
Hoàn thành công tác đếm danh mục, số lượng định mức chuyên ngành làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá và xây dựng hệ thống định mức theo phương pháp mới, khoảng 17.500 định mức. Hiện Bộ đang xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị theo phương pháp mới và đã hoàn thiện khoảng 25.000 định mức do Bộ ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ hoàn thành lập danh mục hệ thống quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực xây dựng theo hướng tinh gọn, đồng bộ, dễ thực hiện với 11 quy chuẩn (giảm 06 quy chuẩn so với trước kia); hoàn thiện định hướng hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực xây dựng với danh mục dự kiến khoảng 150 TCVN cốt lõi và ban hành Quyết định 1057/QĐ-BXD ngày 11/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn các nội dung, trình tự áp dụng BIM…
Cấp giấy phép, quản lý xây dựng nề nếp
Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất cải cách thủ tục hành chính về cấp Giấy phép xây dựng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014, như: Mở rộng đối tượng công trình được miễn Giấy phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp phép; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn khác.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, nội dung quy định về trật tự xây dựng ngày càng chặt chẽ, các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nghiêm khắc; Thường xuyên phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác thanh tra xây dựng; hướng dẫn Thanh tra các Sở Xây dựng địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra.
Trong 02 năm gần đây, Bộ Xây dựng đã ban hành gần 400 văn bản hướng dẫn Thanh tra xây dựng 63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ, chú trọng thanh tra trật tự xây dựng đô thị, tổ chức tập huấn 113 lớp với 12.331 lượt học viên.
Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, nếu như năm 2015, số công trình vi phạm trật tự xây dựng của cả nước là hơn 14.400 công trình, thì đến năm 2019 giảm xuống hơn 9.000 công trình. Không có công trình vi phạm được “xử phạt cho tồn tại” kể từ sau thời điểm 15/01/2018 (thời điểm Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực).
Chất lượng thẩm định cao
Thông tin năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng từng bước minh bạch, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền. Thông qua thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, Bộ Xây dựng yêu cầu nhiều chủ đầu tư bảo đảm tuân thủ chủ trương đầu tư, các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng, các giải pháp thiết kế an toàn công trình, cắt giảm chi phí không hợp lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách.
Tính từ năm 2016 đến hết tháng 6/2020, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án khoảng 2,33% - 4,83% tổng mức đầu tư, tỷ lệ cắt giảm dự toán sau thẩm định khoảng 3,74%-4,3% giá trị đề nghị thẩm định... Chất lượng các công trình xây dựng cơ bản được bảo đảm, chất lượng các công trình quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, số lượng sự cố giảm và không xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Hàng năm cả nước có khoảng 35.000 đến 40.000 công trình được triển khai thi công xây dựng, có khoảng 100 công trình tồn tại về chất lượng và quản lý chất lượng, sự cố công trình có xu hướng giảm chiếm tỷ lệ khoảng 0,1%, tỷ lệ tai nạn lao động trong thi công xây dựng giảm.
Bộ Xây dựng hướng dẫn các chủ quản lý, sử dụng báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn đập và hồ chứa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị của các địa phương.
Hiện có khoảng 3.500 công trình nguy hiểm, 1.000 công trình đặc biệt nguy hiểm cần theo dõi, đánh giá, xử lý. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tại các địa phương chậm do thiếu vốn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ ban hành đầy đủ các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi trong năm 2021; hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm, đẩy mạnh phân cấp và nâng cao chất lượng thẩm định, thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các đề án...
Thanh Nga
Theo