Thứ năm 09/05/2024 00:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị chuyên đề tiếp xúc cử tri trên địa bàn về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy

15:35 | 12/08/2022

(Xây dựng) – Sáng 12/8, Thường trực HĐND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị chuyên đề với cử tri 18 phường trên địa bàn về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các khu tập thể, số nhà đông hộ, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện.

quan hoan kiem to chuc hoi nghi chuyen de tiep xuc cu tri tren dia ban ve tang cuong cong tac phong chay chua chay
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận hiện tồn tại 149 nhà tập thể cũ, chung cư cũ, nhà đông hộ không đảm bảo điều kiện về PCCC như: số lối thoát nạn không đảm bảo; giao thông tiếp cận chữa cháy khó khăn, nguồn nước không đảm bảo; ban công đều cơi nới “chuồng cọp” không có lối ra, gây mất an toàn trong công tác thoát nạn và khó khăn trong công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trong thời gian qua, nhận thức được vấn đề PCCC cần phải được quan tâm đúng mức, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp UBND 18 phường gắn 149 biển cảnh báo an toàn về PCCC đối với các khu tập thể, chung cư cũ, nhà đông hộ. Qua đó, để các hộ dân sinh sống tại các khu vực này nâng cao ý thức phòng ngừa, không để xảy ra các rủi ro có liên quan đến cháy, nổ.

Không chỉ vậy, UBND quận đã tổ chức triển khai lắp đặt phương tiện chữa cháy công cộng, tính đến nay đã lắp 908 điểm (1.816 bình chữa cháy) tại 877 ngõ trên địa bàn quận.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về PCCC bằng nhiều hình thức được Cục Cảnh sát PCCC&CNCH – Bộ Công an, UBND thành phố đánh giá cao như: Tuyên truyền phố đi bộ, tuyên truyền khu dân cư, mô hình hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ.

Nhiều vụ cháy nổ không được xử lý kịp thời do thiếu các phương tiện PCCC, từ thực tiễn đó, quận đã ưu tiên công tác vận động các hộ gia đình trang bị phương tiện PCCC như: Vận động 16.837/29.331 hộ dân trên địa bàn quận đã tự trang bị bình chữa cháy (đạt tỷ lệ 57,40%) trong đó 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh đã tự trang bị bình chữa cháy; Việc vận động tháo dỡ lồng sắt, chuồng cọp: Vận động được 2.446/2.446 hộ tạo lối thoát nạn, cửa dự phòng tại ban công, lồng sắt, chuồng cọp (đạt tỷ lệ 100%).

quan hoan kiem to chuc hoi nghi chuyen de tiep xuc cu tri tren dia ban ve tang cuong cong tac phong chay chua chay
Toàn cảnh Hội nghị.

Trong buổi chuyên đề với cử tri lần này, quận Hoàn Kiếm đề ra một số giải pháp sau:

Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC đặc biệt tại các khu dân cư, nhà đông hộ. Vận động các hộ gia đình tự trang bị phương tiện bình chữa cháy xách tay ít nhất mỗi hộ 01 bình chữa cháy và mặt nạ phòng độc đảm bảo mỗi thành viên trong gia đình được trang bị 01 mặt nạ; cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp và 100% các hộ phải tháo dỡ, tạo lối thoát nạn tại các vị trí lắp lồng sắt chuồng cọp.

UBND quận nghiên cứu tham mưu HĐND quận triển khai Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội thay thế cho Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND về xử lý cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quận được đưa vào sử dụng trước khi có Luật PCCC 2001, trong đó tập trung vào đối tượng nhà tập thể, chung cư cũ…

Tiếp tục rà soát kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ của các khu dân cư, tổ dân phố (Chủ quản, Ban quản trị thành viên phải là cư dân trong khu tập thể); tổ chức tập huấn, trang bị phương tiện về PCCC, CNCH cho lực lượng này đảm bảo xử lý các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Đẩy nhanh tiến độ dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân trong khu phố cổ (giảm mật độ dân cư) và có phương án xử lý xuống cấp các nhà đông hộ; nhà gỗ, xuống cấp, có nguy cơ cháy nổ cao.

Không chỉ có nhà chung cư cũ, quận Hoàn Kiếm cũng đã đề ra một số giải pháp đối với nhà ở gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, tổng số nhà để ở hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ) là 21.459; Tổng số nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là 4.906 do UBND 18 phường quản lý Nhà nước về PCCC.

Có thể thấy, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh: được xây dựng chủ yếu theo dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát nạn, ban công được cơi nới và quây bằng lồng sắt. Bên cạnh đó do là vừa ở vừa kinh doanh nên thường xuyên tồn chứa lượng lớn hàng hóa bố trí chung với nơi sinh hoạt, ăn ở của gia đình; diện tích nhà chật hẹp, dẫn đến việc sắp xếp bố trí hàng hóa dày đặc khắp không gian trong nhà, khó khăn cho việc thoát nạn và hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ. Khi xảy ra cháy nếu không kịp thời xử lý dễ gây cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Đối với mô hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, UBND quận ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 31/5/2021 của UBND quận về việc thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Quận tiến hành tuyên truyền 1.546 lượt trên nền tảng SMS, 2.154 lượt tuyên truyền trên Zalo các nhóm dân cư trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, 594 lượt trên facebook, mạng xã hội.

Trong năm qua, quận kiểm tra an toàn PCCC 21.459 lượt nhà ở gia đình, 4.906 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong đó xử phạt 03 trường hợp.

Với những mô hình nhà ở khác nhau, Hoàn Kiếm cũng tổ chức PCCC khác nhau như: Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp, biện pháp nâng cao năng lực công tác PCCC&CNCH của quận đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Chỉ đạo Công an quận và UBND 18 phường tiếp tục thực hiện điều tra cơ bản, nắm tình hình, không để sót lọt cơ sở, đảm bảo 100% khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận được lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC&CNCH.

Quận chỉ đạo UBND 18 phường thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH theo quy định tại Điều 52 của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trong đó chú trọng tới các cơ sở, đối tượng nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền theo quy định.

Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý về trật tự xây dựng; có biện pháp xử lý cương quyết, triệt để theo quy định của pháp luật. Quá trình kiểm tra kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Chỉ đạo Công an quận tiếp tục phối hợp với UBND 18 phường thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kết hợp vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; tháo dỡ hoặc mở lối thoát nạn tại ban công, lô gia đối với các nhà ở lắp đặt lồng sắt.

Đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nếu đáp ứng được các điều kiện an toàn về PCCC thì hướng dẫn khắc phục để hoạt động. Đặc biệt, trường hợp không có phương án đảm bảo an toàn PCCC theo Quy chuẩn Việt Nam 06/2020/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn cháy cho nhà và công trình, đề xuất không được phép hoạt động kinh doanh chỉ sử dụng để làm nhà ở.

quan hoan kiem to chuc hoi nghi chuyen de tiep xuc cu tri tren dia ban ve tang cuong cong tac phong chay chua chay
Cử tri 18 phường thuộc địa bàn quận phát biểu tại Hội nghị.

Với mật độ quán ăn, nhà hàng, café giải khát nhất nhì Thủ đô, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng hết sức cẩn trọng, kiểm tra rà soát kỹ lưỡng đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, đối với cơ sở nhà hàng biểu diễn âm nhạc mô hình quán bar, đặc điểm chủ yếu của các cơ sở này là nhà dân cải tạo thành nhà hàng, kinh doanh từ 1 đến 2 tầng hoặc cải tạo từ các rạp hát cũ hoặc thuê mặt bằng kinh doanh tại các tòa nhà văn phòng, khách sạn. Đăng ký giấy phép loại hình cafe, âm nhạc, kinh doanh rượu, không đăng ký loại hình quán bar, vũ trường. Nên chưa được điều chỉnh theo Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Trên địa bàn quận có 17 cơ sở kinh doanh Karaoke, trong đó, 16/17 cơ sở đã được cấp Biên bản kiểm tra an toàn PCCC. Chỉ còn duy nhất 01/17 cơ sở chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và đã có Quyết định đình chỉ hoạt động (Karaoke 18 Liên Trì).

Cuối cùng, 409 cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn đã tiến hành kiểm tra về PCCC.

Đối với những sai phạm, Hoàn Kiếm kiên quyết xử phạt nghiêm minh để đảm bảo an toàn PCCC cho dân cư trên địa bàn. Công an quận Hoàn Kiếm đã chủ động tham mưu UBND quận xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với 11 cơ sở kinh doanh có điều kiện và ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 11 công trình cơ sở kinh doanh có điều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong công tác PCCC.

Cũng tại Hội nghị, cử tri 18 phường có dịp được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn đến với lãnh đạo, các cấp chính quyền quận Hoàn Kiếm. Từ đó, quận cũng chỉ đạo nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các biện pháp nâng cao an toàn PCCC, giúp đỡ người dân để đảm bảo an sinh xã hội…

Diệu Anh – Lê Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load