(Xây dựng) - Từ hôm Quốc hội chính thức “khai tử” hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) mà thường được gọi theo kiểu dân gian là“đổi đất lấy hạ tầng”, nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm rằng từ nay, mảnh đất cho những kẻ tham nhũng, những kẻ tham lam sẽ bị triệt phá nặng nề.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Phải thừa nhận rằng cũng đã một thời, hình thức đầu tư BT đã làm nền kinh tế nước nhà sôi động khi bầu máu nóng của các nhà đầu tư được thôi thúc bởi những khoản tiền lợi nhuận khổng lồ, những buổi đàm phán nhẹ nhõm và những cuộc giao tiếp thân thiết vô bờ bến với các quan chức Nhà nước…
Rồi sau hơn 20 năm thực hiện hình thức đầu tư BT này, nhiều bài học đắt giá đã được rút ra một khi thấy rằng, nguồn tài nguyên khổng lồ của quốc gia là đất đai đã bị bòn rút vô tội vạ và không thể kiểm soát; những cuộc trao đổi không công bằng và thiếu minh bạch không ngừng diễn ra; những vụ án động trời đã khiến nhiều nhân vật thành danh cũng phải ra vành móng ngựa… Kết quả, BT bị khai tử dường như là một tất yếu trong hệ thống quản lý tài sản công.
Song cũng có ý kiến cho rằng, bản thân hình thức đầu tư BT cũng chẳng có lỗi gì, bởi nó vốn là một trong những hình thức đầu tư theo mô hình đối tác công - tư có tên gọi là PPP mà thôi, thí dụ như BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh)…
Vì trong tất cả những hình thức đầu tư này đều dính dáng đến tài sản công, đều có thể kích động lòng tham của con người, bất kể đấy là nhà đầu tư hay những công chức Nhà nước có trách nhiệm liên quan nên chẳng những BT mà kể cả BOT, BTO hay BOO… thì cũng rất cần có sự công khai, minh bạch và những chế tài đủ mạnh để lòng tham ấy không có nhiều cơ hội trỗi dậy.
Ngay như trong hệ thống luật mới được Quốc hội thông qua về hình thức đầu tư PPP, có nhiều quy định có tính nguyên tắc rất cao để thực hiện các yêu cầu này, thí dụ như các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP là đấu thầu rộng rãi, trong đó không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự; là đàm phán cạnh tranh, trong đó chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự…, và những điều khoản rất chi tiết như 12 hành vi bị cấm khi thực hiện…
Tuy nhiên, làm luật là do con người, thực hiện nó là con người, kiểm soát nó cũng là con người, phán xét nó vẫn là con người. Vì thế, cho dù hệ thống luật mới ban hành có chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn thì sự minh bạch về cơ bản vẫn phụ thuộc vào những con người cụ thể bằng xương bằng thịt mà thôi!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo