(Xây dựng) - Nhằm kịp thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần hoàn thành “mục tiêu kép”, tỉnh Phú Thọ đang triển khai hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Ký kết hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. |
Có mặt tại Ngân hàng Chính sách huyện Thanh Ba để nhận nguồn hỗ trợ 230 triệu đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ triển khai, anh Nguyễn Đức Thuận - chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải huyện Thanh Thủy cho biết, là đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì được tiếp cận nguồn vốn này thực sự là cứu cánh cho người sử dụng lao động. Với lãi suất 0% trong thời hạn 11 tháng đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, khi đơn vị được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động đến tận nơi tuyên truyền về gói hỗ trợ của Chính phủ. Xét thấy đơn vị mình đủ điều kiện vay vốn, nên chúng tôi làm hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được tiếp cận nguồn vay một cách thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp vơi bớt khó khăn tiếp tục duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay, ngân hàng đã nhận được hồ sơ của sáu đơn vị, doanh nhiệp đề nghị vay vốn từ người sử dụng lao động với số tiền gần 700 triệu đồng để trả lương và phục hồi sản xuất cho trên 220 lượt người lao động. Trong đó, có năm đơn vị vay vốn để trả lương ngừng việc cho 212 lượt người lao động với số tiền trên 659 triệu đồng và một đơn vị vay vốn để phục hồi sản xuất cho 10 lượt người lao động với số tiền gần 31 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông... để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhánh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất. Đồng thời, tiếp tục nắm bắt nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi.
Có thể nói, Nghị quyết 68 như một “cánh cửa” mở ra đúng lúc, đúng thời điểm để người lao động và người sử dụng lao động có được những cơ hội trong lúc khó khăn, thể hiện một quyết sách đầy tính nhân văn, tạo dựng niềm tin trong nhân dân. Chính sách thiết thực và phù hợp này không chỉ giúp người lao động và người sử dụng lao động có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn mà còn trở thành điểm tựa để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Phùng Hằng
Theo