(Xây dựng) - Mỗi người dân, khách thập phương trong và ngoài nước đến đây đều thấy vẻ uy nghiêm, kỳ bí của ngôi đình Hạ Khê (xã Phương Xá, huyện Sông Thao, Phú Thọ). Các cụ bô lão nơi đây cho biết, ngôi đình mang nhiều những truyền kỳ bí ẩn, địa thế “gối sơn, đạp thủy”. Vậy ngôi đình này thờ ai, vì sao lại mang những giá trị tâm linh đang được người dân nơi đây bảo tồn và trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh?
Đình Hạ Khê tọa lạc trên thế đất hội tụ linh khí của trời đất.
Những chuyện truyền kỳ bí ẩn
Theo các cụ già kể lại thì ngôi đình Hạ Khê thờ hai nhân vật lịch sử thuộc lớp anh hùng thời Hùng Vương dựng nước là Khai Cơ đại vương và Quế Hoa công chúa. Đây là những người giúp vua Hùng dẹp giặc, bảo vệ bờ cõi đất nước. Theo cuốn Ngọc Phả còn ghi lại: ở động Sài Sơn, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây (nay là Sơn Tây, TP Hà Nội) có gia đình họ Trương Huân và vợ là Phạm Hồn nổi tiếng là người có học, của cải sung túc, ăn ở hiền lành, nhưng hai ông bà đến 50 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Một ngày kia, vợ chồng ông bà lên chùa Hoa Sơn thắp hương xin được điềm lành có con. Đêm ấy, vợ chồng ông thấy rõ ánh hào quang màu đỏ trong chùa, lại có Rồng vàng uốn lượn xung quanh, rồi biến thành đôi chim sẻ, bà Phạm Hồn bắt được một con chim sẻ và bừng tỉnh dậy mới biết là giấc chiêm bao, không bao lâu bà có thai và ngày mùng 7 tháng Giêng năm Ất Sửu sinh hạ một cậu bé khôi ngô tuấn tú đặt tên là Trương Bảo Công.
Cậu bé Bảo Công lên một tuổi đã biết nói , lên năm tuổi đã biết âm luật nhạc và thơ. Khi trưởng thành Trương Bảo Công tìm đến huyện Ma Khê, phủ Thao Giang (nay là huyện Lâm Thao, Phú Thọ) học chữ của một vị quan tên là Đinh Ngoạn và kết duyên với con gái vị quan này là Đinh Quế Hoa. Một thời gian sau, Trương Bảo Công và vợ là Đinh Quế Hoa về thăm cha mẹ, nhưng ông bà họ Trương đã ngoài 80, do nhớ con sinh bệnh rồi qua đời. Sau 3 năm thờ cúng cha mẹ, hai vợ chồng Trương Bảo Công về huyện Ma Khê để thăm hỏi hỏi nhà ngoại, nhưng ông bà họ Đinh cũng không còn. Vì vậy, hai vợ chồng Trương Bảo Công về Hạ Khê sinh sống.
Một hôm, ông Trương Bảo Công quan sát trên trời có những hiện tượng lạ, mới đoán là rồi nhà Hùng sẽ đến ngày cuối vận vì không có người nối dõi. Chính vì vậy, ông bắt đầu mưu chí khác, biết địa thế trang Hạ Khê đất đai bằng phẳng, nhân dân thuần hậu, lại có ngọn núi Tinh chạy quanh, đầm lớn trước mặt. Ông tự trọng dụng người tài, rồi tự xung là Khai Cơ Đại Vương và phong Quế Hoa làm cung phi Hoàng hậu, đặt hiệu là Vua bà, rồi một lúc cử binh đi đánh vua Hùng để chiếm lấy nước. Ngay đêm hôm ấy, ông nằm mộng thấy sứ giả nhà trời xuống phán rằng: Hoàng thiên cho ông xuống trần gian làm tướng giúp nhà Hùng, sau là trả ơn công đức tích thiện của dòng họ Trương, ai bảo ông quay về Nam xưng Vương, đối địch lại với nhà Hùng. Ngươi hãy hồi tâm hướng thiện, đừng trái với ý trời. Tỉnh dậy, ông mới biết đó là giấc mộng do trời báo và ra lệnh bãi bỏ vũ khí, giải tán quân lính rồi cho về quê làm ruộng cùng gia đình.
Thời ấy, Hùng Duệ Vương không có người nối nghiệp, vua liền truyền ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Bấy giờ bộ chủ Ai Lao là Thục Phán nghe tin ấy liền phát động cầu cạnh các nước láng giềng tiến đánh Hùng Duệ Vương. Thấy vậy, Hùng Duệ Vương liền sai Tản Viên Sơn Thánh và Khai Cơ Đại Vương đánh trả. Sau khi Tản Viên Sơn Thánh và Khai Cơ Đại Vương chiến thắng trở về đã cùng nhân dân ăn mừng.
Sau khi được Hùng Duệ Vương phong tước và ban cho về trang Hạ Khê để cai quản vùng đất này, Khai Cơ Đại Vương và Quế Hoa công chúa đang ở Hạ Khê thì nghe tin Hùng Duệ Vương đã nhường ngôi vua cho Thục Phán, Tản Viên Sơn Thánh cũng không còn, cơ đồ nhà Hùng đã thuộc về tay người khác. Ngày hôm ấy, ông cho mời phụ lão, dân trong trang Hạ Khê mở yến tiệc, ông căn dặn người dân rồi cùng Quế Hoa công chúa hóa trong đám mây vàng, giữa trời mưa gió, đó là vào ngày 10 tháng 12 âm lịch.
Nơi thờ Khai Cơ Đại Vương Trương Bảo Công với lối kiến trúc cổ được chạm khắc tinh xảo.
Thế đất linh thiêng
Sau khi Khai Cơ Đại Vương Trương Bảo Công và Quế Hoa công chúa hóa tại mảnh đất này, nhân dân trong làng đã lập miếu thờ cúng. Đình Hạ Khê được tạo dựng trên đỉnh một quả gò cao có tên là Gò Soi. Đình nằm trên thế đất rất đẹp, trước cửa đình là hệ thống đầm, hồ, ao và khu dân cư trù phú, đằng sau đình là một loạt các dãy núi, đồi gò xếp so le đều đặn. Dân gian truyền rằng, đây là một địa thế “Gối sơn, đạp thủy” , mảnh đất rất thịnh và phát. Theo chân của ông từ tại đình Hạ Khê, chúng tôi đi tham quan xung quanh một vòng, thấy đúng là một ngôi đình mang nhiều giá trị tâm linh, đứng trên sân đình nhìn xuống là các khu dân cư đông đúc, đồng ruộng trù phú. Ở xung quanh đình được bao bọc bởi màu xanh bạt ngàn của rừng cọ cổ in dấu thời gian, cây sữa hàng trăm năm tuổi, cây si với vóc dáng uy nghiêm.
Các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi được gìn giữ qua từng năm tháng.
Nhiều chuyên gia phong thủy cho rằng: mạch đất ở đây cực kỳ đẹp, được xếp vào vị trí đắc địa khi đình Hạ Khê được quay hướng Đông. Mảnh đất chính là mạch tụ khí, tụ linh. Điều đó cho thấy sẽ có nhiều nhân tài cho quê hương và đất nước, bởi thế đất đã nói lên đó là thế Phúc.
Đúng như vậy, ở mảnh đất này từ xưa đến nay đã sinh ra có nhiều nhân tài, người con hiếu học đang công tác ở các vị trí trên mọi miền Tổ quốc, ngày ngày theo gương của các bậc đế vương dốc sức xây dựng quê hương, đất nước. Các cụ cao niên trong làng cho biết: Đình Hạ Khê rất linh thiêng, luôn che chở, ban phúc cho dân làng hưng thịnh, người người khi đi xa về đều lên đình thắp hương cầu bình an cho gia đình và đất nước. Nơi đây chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người dân. Con cháu Hạ Khê hôm nay luôn lấy Đức – Tài – Chí của Khai Cơ Đại Vương và Quế Hoa công Chúa làm tôn chỉ nam cho ước mơ và hoài bão để thể hiện dòng dõi con Lạc cháu Hồng.
Bài và ảnh: Ngọc Minh
Theo