(Xây dựng) – Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8, có tựa đề “Bóng tình” với một sự cảm nhận về nhân tình thế thái, mối giao hòa cảm xúc giữa con người với con người, con người với cỏ cây hoa lá, con người với trời đất bao la mênh mông của vũ trụ...
Trong lời ngỏ của tập thơ thứ 8 - Bóng tình, Nhà báo Phạm Quốc Cường nói một cách triết lý: Có 3 nhân tố quan trọng, đó là Thiên - Địa - Nhân (Trời, Đất, Người) đã có sự giao thoa từ ngàn năm nay, để rồi chính họ - con người đã tô điểm thêm cho sự sống, cho tình cảm, tình yêu bất tận...
Hàng triệu triệu tác phẩm, áng văn thơ ra đời cũng đã góp phần làm cho thế giới loài người sinh động hơn, gần gũi nhau hơn để người người yêu thương nhau hơn, và cũng là ngược lại. Đó là hai thái cực trong một hoàn cảnh: có yêu thương, có hạnh phúc, có giận hờn và có cả hận thù... Tình yêu trong thơ ca là đề tài muôn thuở, là mạch nguồn cảm hứng không bao giờ cạn đối với không chỉ thi nhân, mà với tất cả mọi người ở nhiều tầng lớp khác nhau.
Khi nói về tình yêu - tác giả luôn cho ra đời những câu từ chân thật và rất đời, có yêu, có thương, có hận... nhưng hơn cả là trách nhiệm, sự gửi gắm trong đó: "... vàng thau em hãy giữ", chỉ đọc một câu này thôi, người đọc hay ai đó cảm nhận được sẽ hiểu được tình ý lời dặn của chủ thơ là biết trân quý những gì đã qua, gìn giữ những điều tốt đẹp trong mỗi con người.
Ở khía cạnh tình cảm gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước, tác giả tập thơ luôn đặt nặng chữ “tình”. “Tình cha mẹ bao la biển lớn”, “Nhân gian dù có thế nào/ Làm sao tính nổi biển trời mẹ cha”. Là một người con, nhà báo Phạm Quốc Cường luôn tự dặn lòng mình phải hiếu thuận, thảo kính cha mẹ, trân trọng tuổi già cha mẹ.
Tác giả tập thơ cũng không bao giờ quên nơi chôn rau cắt rốn của mình đó là quê hương xứ Nghệ đậm tình người, có núi Bác Hồ, có dòng Lam chảy hiền hòa. Từ yêu quê hương, đến yêu đất nước mình. Ở mỗi nơi anh đi qua, đều thấy đẹp và đáng sống: từ những địa danh gắn với những người anh hùng dân tộc như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... đến những vùng đất mang giá trị tâm linh như chùa Thầy, các di tích như Hoàng Thành Thăng Long...
Với bạn bè, đồng nghiệp, Phạm Quốc Cường luôn thể hiện một tinh thần “hào sảng”. Có trước có sau, có sự kết giao, hòa đồng, đoàn kết và trách nhiệm. Với những người tiền nhân, tác giả tập thơ “Bóng tình” luôn tôn quý, học hỏi và lễ nghĩa.
Tác giả cũng đã tri ân và có nghĩa cử trân quý các thầy cô giáo nhiều thế hệ trên tất cả các mặt trận trong cuộc sống, những người đã chỉ dạy, nâng đỡ từng bước để Phạm Quốc Cường trưởng thành và vững chãi hơn: “Thuyền bơi sóng nước mênh mông/Không bằng con chữ thầy cô để đời/Lời thơ em chép ra đây/Lòng thành tôn tỏ đến cô với thầy”.
Cùng góp sức với tác giả trong “Bóng tình” có thêm Lê Hùng Mạnh, Nguyễn Tiến Sơn (Cao Sơn) và Lê Thị Thu Huyền. Cả 3 cây bút trẻ đã mang những hơi thở cuộc sống, thêm những sắc màu trong nhiều con chữ tươi đẹp, làm cho tập thơ thêm đầy đặn và lan tỏa tình cảm, tình yêu thương cha mẹ, yêu thương các thành viên trong gia đình và đặc biệt là tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước - đất nước Việt Nam, một đất nước anh hùng đang cùng nhau đồng lòng đoàn kết bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
PV
Theo