Thứ năm 16/01/2025 20:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Tiền Giang: Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công

14:35 | 16/01/2025

(Xây dựng) - Làng đóng tủ thờ Gò Công (thành phố Gò Công, Tiền Giang) đã hình thành từ hơn trăm năm trước. Sản phẩm tủ thờ Gò Công đã hiện diện trong đời sống tâm linh của người dân Nam bộ, đó như một hình ảnh thân quen ở vùng đất nơi đây và trở thành nét văn hóa trong thờ cúng tổ tiên của nhiều gia đình người Việt.

Tiền Giang: Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công
Tủ thờ Gò Công được khảm, chạm khắc tinh xảo.

Thành phố Gò Công (tỉnh Tiền Giang) là một trong những đô thị có bề dày văn hóa, lịch sử từ lâu đời. Nơi đây, có làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công tuổi đời trên 100 năm rất nổi tiếng. Từ trung tâm thành phố Gò Công, đi dọc theo Quốc lộ 50 về hướng phà Mỹ Lợi đến khu vực ấp Ông Non, xã Tân Trung, thành phố Gò Công, hai bên đường có hàng chục cửa hàng, cơ sở sản xuất, buôn bán tủ thờ, bàn, ghế bằng gỗ. Đó là Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, nơi đây quy tụ nhiều thợ thủ công chuyên nghề đóng đồ mộc mà sản phẩm tiêu biểu nổi tiếng khắp vùng là chiếc tủ thờ đóng bằng những loại gỗ quý rất được người dân ưa chuộng bày trí trong nhà.

Tủ thờ nơi đây mang kiểu dáng đặc trưng riêng từ vùng Gò Công sản xuất với mặt trước tủ chạm hai hàng chuỗi khít nhau tạo dáng 2 cánh cửa tượng trưng, mỗi hàng chạm khắc, cẩn ốc xà cừ... theo những hình vẽ trang trí mà mỗi hình là một câu chuyện kể về tuồng tích xưa rất tinh xảo, mỹ thuật.

Giá trị văn hóa đặc sắc vùng Nam bộ

Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, tủ thờ Gò Công ngày nay đã trở thành một làng nghề truyền thống không chỉ nổi tiếng khắp trời Nam đất Bắc, mà còn vươn ra ngoài thế giới. Và khi nhắc đến tủ thờ Gò Công, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu Ba Đức. Ông Ngô Tấn Thành (hay còn gọi là ông Tám Nhựt), người con thứ tám của ông Ba Đức chia sẻ: Gia đình ông có 9 anh em đều mở cơ sở sản xuất và bày bán sản phẩm tủ thờ, tất cả đều lấy hiệu Ba Đức.

Ông Tám Nhựt tự hào rằng: Đời ông cố chỉ làm được chiếc tủ thờ Gò Công với 3 trụ, đến đời ông nội thì nâng cấp lên từ 5 đến 7 trụ, đến đời cha ông là ông Ba Đức đã phát triển từ 7 trụ dần lên đến 21 trụ. Đặc biệt, vào cuối năm 2013, cha ông đã hoàn thành chiếc tủ với 30 trụ. Đây được xem là chiếc tủ thờ mang tính kỷ lục cả về số trụ và giá bán, lên đến 750 triệu đồng. Chiếc tủ thờ này có 30 trụ đứng, được chạm trổ tinh xảo, mặt tiền được cẩn xà cừ đẹp mắt và được cha ông đóng theo đơn đặt hàng của một nữ trí thức ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chủ các cơ sở, nghề đóng tủ thờ Gò Công là một nghề đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người thợ thủ công lành nghề. Để đóng được chiếc tủ thờ thành phẩm, đạt chất lượng và yêu cầu thẩm mỹ cao, người thợ thủ công phải thực hiện nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ.

Tủ thờ Gò Công từ lâu đã nổi tiếng với kiểu dáng trang nghiêm, các chi tiết kết nối được xử lý bằng mộng, ngàm và chốt gỗ chứ không dùng đến đinh hay ốc vít. Đặc biệt, nguyên liệu để đóng tủ thờ trải qua bao đời đều là các loại gỗ quý. Những người đến với nghề làm tủ thờ ở Gò Công đều có sự đam mê, khéo léo nên các sản phẩm của họ thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Qua bàn tay tài hoa, tâm huyết, khiếu thẩm mỹ, sự sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài của các nghệ nhân, chiếc tủ thờ truyền thống Gò Công chứa đựng nhiều giá trị vật chất và tinh thần, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa truyền thống…

Tủ thờ Gò Công có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Trong nhiều gia đình người Việt ở nông thôn cũng như thành thị, tủ thờ Gò Công được đặt trang trọng ở gian thờ, thể hiện tấm lòng, tình cảm thiêng liêng của người dân đối với những người đã khuất. Ngoài mục đích thờ cúng ông bà tổ tiên, tủ thờ còn là nơi để cất giữ đồ vật quý giá, còn là vật trang trí, góp phần tạo nên không gian sang trọng của mỗi ngôi nhà.

Có thể nói rằng, làng nghề thủ công truyền thống đóng tủ thờ Gò Công là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, cần được bảo tồn và phát huy để gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng.

Giữ gìn, phát triển nghề truyền thống

Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công còn được biết đến là nghề "cha truyền con nối". Ông Tám Nhựt chia sẻ, gia đình ông có truyền thống nhiều đời đóng và kinh doanh tủ thờ Gò Công. Nếu tính đến đời của ông, thì nghề truyền thống đóng tủ thờ Gò Công của gia đình đã truyền đến đời thứ 4, thứ 5 và nay đến đời con của ông.

Anh Ngô Huỳnh Thành Phát, con ông Ngô Tấn Thành chia sẻ, ngay từ nhỏ thấy ông và cha rất tâm huyết với nghề đóng tủ thờ, từ đó bản thân luôn cố gắng học hỏi để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.

Bình quân mỗi tháng, làng nghề tủ thờ Gò Công cung ứng thị trường hàng trăm sản phẩm đủ loại. Sự phồn thịnh của làng nghề là một trong những yếu tố giúp xã Tân Trung hoàn thành và đạt xã nông thôn mới năm 2016, đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 và tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tận dụng thời cơ, các cơ sở đóng tủ thờ Gò Công ở làng nghề tích cực đầu tư máy móc cơ giới hóa các khâu sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, quảng bá thương hiệu tủ thờ Gò Công và đa dạng hóa sản phẩm đồ gỗ gia dụng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngày nay, kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu về tủ thờ cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn, làng nghề tủ thờ truyền thống Gò Công vẫn tiếp tục phát triển, cạnh tranh được với những tủ thờ cao cấp khác. Nhiều người vẫn mong muốn có một chiếc tủ thờ vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh, vừa đáp ứng các nhu cầu về thẩm mỹ. Tất cả những tiêu chí đó làng nghề tủ thờ truyền thống Gò Công đều đáp ứng được. Ngoài sản phẩm tủ thờ truyền thống, các cơ sở trong làng nghề còn sản xuất nhiều mặt hàng đồ gỗ nội thất từ bình dân đến cao cấp phục vụ nhu cầu thị trường ở trong và ngoài nước như: tủ, bàn ghế, đồ trang trí nội thất, sản phẩm gỗ phục vụ công trình…

Tên tuổi của tủ thờ Gò Công ngày càng vươn xa và trở thành niềm tự hào cho người dân nơi đây. Ông Tám Nhựt tự hào sản phẩm tủ thờ của các cơ sở Ba Đức còn được Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp ưa chuộng. Đặc biệt, năm 2016, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần về tỉnh Tiền Giang đã ghé thăm hỏi, động viên các cơ sở sản xuất tủ thờ nơi đây giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống, trong đó có cơ sở đóng tủ thờ Tám Nhựt, cơ sở của người con thứ tám của ông Ba Đức.

Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương kiện toàn cơ sở hạ tầng, giao thông, nâng cấp lưới điện theo chuẩn nông thôn mới phục vụ sản xuất và đời sống đã giúp việc đi lại, giao thương và tiêu thụ sản phẩm tại đây ngày một thuận lợi.

Ông Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND thành phố Gò Công cho biết: Giữ gìn, phát huy nghề truyền thống đóng tủ thờ Gò Công luôn được quan tâm, không chỉ góp phần giữ gìn, tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, mà phát triển làng nghề cũng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn. Vì vậy, những năm qua ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề từ Trung ương thì tỉnh, thành phố Gò Công đã có nhiều giải pháp, kiện toàn Ban Quản lý làng nghề tủ thờ truyền thống Gò Công nhằm đem lại những hiệu quả nhất định.

Trải qua hơn một thế kỷ, nghề đóng tủ thờ Gò Công vẫn được các thế hệ người dân ấp Ông Non giữ gìn và phát triển. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề đóng tủ thờ Gò Công sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công luôn đồng hành với du lịch Tiền Giang

Theo thời gian, tủ thờ Gò Công đã được thay đổi mẫu mã, chi tiết hoa văn để phù hợp với đời sống của cư dân địa phương qua từng thời kỳ. Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ, từ chiếc tủ có 3 trụ đứng, đến nay chiếc tủ có đến 19, 21 trụ với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ. Điều đặc biệt, tất cả các chi tiết đều được làm bằng gỗ nối với nhau bởi mộng, ngàm, khóa chốt gỗ…

Hiện nay, Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm đã vinh dự nhận Huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ – Hà Nội năm 1984. Đặc biệt, tủ thờ Gò Công đã được bài trí rực rỡ và trang nghiêm tại đền thờ các Vua Hùng (tỉnh Phú Thọ), đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội) và tại quê Người ở làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công, không chỉ là nơi tổ chức sản xuất ra các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của làng nghề, đồng thời bản thân làng nghề là một sản phẩm tổng thể có sức hấp dẫn du khách đến tham quan du lịch. Do đó, việc khai thác thế mạnh để phát triển làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống kết hợp với du lịch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những hướng đi quan trọng của ngành Du lịch, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như việc tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, có sức hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao, khẳng định và vai trò của các sản phẩm lưu niệm trong việc phát triển du lịch bền vững.

Giang Sơn - Phạm Hổ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Điện Biên: Tiếp tục phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc

    (Xây dựng) – Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tạo nên những thành tựu phát triển trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ của tỉnh; đạt được nhiều kết quả mới, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

    09:10 | 16/01/2025
  • Trao giải Cuộc vận động thi sáng tác ca khúc về đề tài Công an nhân dân

    (Xây dựng) – Ngày 15/1, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với Cục Truyền thông Công an nhân dân tổ chức Chương trình tổng kết và trao các giải thưởng Cuộc vận động thi sáng tác ca khúc về đề tài Công an nhân dân, đây là một trong những hoạt động văn hóa – chính trị chào mừng 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

    21:46 | 15/01/2025
  • Hà Nội: Hòa nhạc ánh sáng 2025 – hòa cùng không gian văn hóa đặc biệt Hồ Tây

    (Xây dựng) - Sáng 15/1, Báo Nhân Dân và UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ công bố chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025”. Chương trình sẽ diễn ra vào 20 giờ tối 18/1 tại ngã tư Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội).

    18:12 | 15/01/2025
  • Văn Miếu Bắc Ninh: Biểu tượng truyền thống hiếu học vùng Kinh Bắc

    (Xây dựng) – Văn Miếu Bắc Ninh là nơi tôn thờ những vị tiên hiền, tiên triết và các danh nhân khoa bảng của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh, địa phương đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa thời phong kiến. Đây có giá trị lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của quê hương và là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

    17:49 | 15/01/2025
  • Bắc Giang: Khai quật gần 1.300 hiện vật tại chùa Hoành Mô

    (Xây dựng) - Theo báo cáo mới đây tại đợt khai quật địa điểm chùa Hoành Mô (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), đã phát hiện gần 1.300 di vật, trải dài từ thời Trần cho đến thời Nguyễn.

    18:02 | 14/01/2025
  • Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8 “Bóng tình”

    (Xây dựng) – Nhà báo Phạm Quốc Cường ra mắt tập thơ thứ 8, có tựa đề “Bóng tình” với một sự cảm nhận về nhân tình thế thái, mối giao hòa cảm xúc giữa con người với con người, con người với cỏ cây hoa lá, con người với trời đất bao la mênh mông của vũ trụ...

    15:44 | 14/01/2025
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh Anh Trai “Say Hi” là chương trình biểu diễn nổi bật 2024

    (Xâydựng) - Chương trình âm nhạc Anh Trai “Say Hi”, sản xuất bởi VieON và Vie Channel (thuộc DatVietVAC Group Holdings), đã được vinh danh là “Chương trình biểu diễn nổi bật 2024” trong khuôn khổ sự kiện “Giới thiệu các gương mặt nghệ sỹ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức tối 11/1/2025.

    16:30 | 12/01/2025
  • Sắp khởi động Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam - Ánh sáng Phương Đông 2025 Ocean City

    (Xây dựng) - Ngày 18/1 – 16/3/2025, tại Ocean City sẽ diễn ra Lễ hội Ánh sáng Phương Đông 2025. Với 580 sự kiện, 1.000 điểm trải nghiệm ẩm thực – mua sắm trong vòng 58 ngày, đây dự kiến là Lễ hội Xuân lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt du khách đến vui chơi trong dịp Tết Ất Tỵ

    21:16 | 10/01/2025
  • Hải Dương: Tượng đài Tiếng sấm đường 5 được đầu tư gần 56 tỷ đồng sắp hoàn thành

    (Xây dựng) - Dự án xây dựng tượng đài Tiếng sấm đường 5 được khởi công xây dựng từ ngày 19/8/2023 tại xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; với tổng vốn đầu tư 55,5 tỷ đồng, đến nay sắp được hoàn thành.

    19:25 | 09/01/2025
  • Hà Nội: Tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức Lễ hội

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025.

    08:58 | 09/01/2025
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load