(Xây dựng) - Bây giờ, nhắc đến Phú Mỹ Hưng – Đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam không còn xa lạ với người dân thành phố. Thông qua diện mạo đô thị hiện đại, nhưng lại chan hòa với cảnh quan thiên nhiên sinh thái, Phú Mỹ Hưng là mô hình phát triển đô thị có sự hài hòa từ quy hoạch, hạ tầng, thiết kế đến kiến trúc thượng tầng. Cùng với việc vận hành quản lý đô thị bài bản dựa trên quy hoạch tiêu chuẩn Mỹ do S.O.M thực hiện, Phú Mỹ Hưng từ lâu đã trở thành nơi an cư đậm nét nhân văn dành cho cộng đồng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Giữa “Sài Gòn không ngủ”, có một không gian sống bình yên đến lạ mang tên Phú Mỹ Hưng. |
Lấy con người làm trọng
Ông Lawrence S.Ting - Cố Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phú Mỹ Hưng đã nói khi quyết định đầu tư vào vùng đầm lầy Nhà Bè gần 30 năm trước: “Khi chúng ta đến một nơi nào đó đầu tư, thì không nên bận tâm đến việc chúng ta có thể lấy đi những gì, mà phải quan tâm đến việc chúng ta có thể để lại những gì”.
Gần 3 thập niên kể từ khi được cấp phép đầu tư đến nay, triết lý kinh doanh của ông Lawrence S. Ting luôn được đội ngũ kế thừa khắc ghi và kiên định thực hiện. Nhờ đó, bao năm nay, giữa “Sài Gòn không ngủ”, có một không gian sống bình yên đến lạ mang tên Phú Mỹ Hưng.
Trước khi lập quy hoạch Phú Mỹ Hưng, các chuyên gia đã xác định được nội dung kinh tế - xã hội của đô thị để xác nhận thành phần cư dân, từ đó tạo nên một quy hoạch tổng thể, tính toán kỹ lưỡng cho hạ tầng kỹ thuật, công trình, kiến trúc, dịch vụ, tiện nghi. Việc chỉn chu trong việc xác định thành phần kinh tế nào sẽ hoạt động tại đây, ai sẽ là sinh sống được chia nhỏ và quan tâm đến từng chi tiết như khu nào dành cho cộng đồng sinh hoạt chung, khu nào thương mại, dịch vụ cho đến cả những tiểu tiết khu vệ sinh dành cho người khuyết tật ở các công trình chung.
Một bước đến thiên nhiên
Cây xanh mặt nước bầu trời là điều cư dân sẽ thấy đầu tiên trong ngày mới là một trong những tiêu chí trong thiết kế công trình ở Phú Mỹ Hưng. Cho dù giá đất và nhu cầu ngày càng tăng nhưng Phú Mỹ Hưng vẫn kiên quyết dành quỹ đất lớn để xây dựng công viên, cây xanh với những con số người ta dễ nhớ khi nhắc đến đô thị được gọi bằng nhiều tên khác nhau đô thị vườn, đô thị xanh, đô thị sinh thái như tỷ lệ cây xanh trên đầu người 8,9m2, 5% diện tích mặt ước, 75% diện tích ven sông được dành phát triển tiện ích công cộng gồm mảng xanh, công viên, trường học.
Trong quá trình xây dựng, diện tích cây xanh và mặt nước hiện hữu được Phú Mỹ Hưng giữ gìn và tạo thành hàng trăm công viên lớn nhỏ, nổi tiếng như công viên Hồ Bán Nguyệt rộng 7ha, công viên Nam Viên rộng 4,5ha, Sakura Park cùng với hệ thống các công viên, hoa viên xen kẽ trong các khu dân cư.
Những mảng xanh khu bảo tồn, giải trí xen kẽ giữa các công trình nhà ở có kiến trúc thân thiện với con người cùng hệ thống kênh rạch hiện hữu được cải tạo thành các dòng sông, thủy lộ xuyên suốt bao quanh đô thị. Sự liên kết cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cùng không gian kiến trúc chọn lọc đã tạo nên đô thị sông nước đặc trưng vùng đất phương Nam, một không gian sống như khu resort nghỉ dưỡng tràn ngập khí vị điền viên thiên nhiên cây cỏ.
Thay đổi khi dám nghĩ khác
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa từng khẳng định: Phú Mỹ Hưng đã góp phần định hình một phong cách sống mới, thay đổi quan niệm của mọi người về nơi cư trú, từ “một chỗ chui ra chui vào” đến “một không gian sống. Đó là một sự thay đổi ghê gớm, không chỉ trong người dân mà còn tác động đến tư duy của các cấp lãnh đạo. Mặt khác, Phú Mỹ Hưng đã góp phần tạo nên lối văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự từ chính phong cách sống của khu đô thị này.
TS. KTS Lê Văn Năm – Nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: Từ lâu người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mong muốn thành phố phát triển ra hướng biển, xong ai cũng ngần ngại vì điều kiện tự nhiên thấp trũng và nền đất yếu nhưng Phú Mỹ Hưng đã làm được.
Phú Mỹ Hưng mở ra một cách làm sáng tạo, bài bản từ việc nghiên cứu đề xuất thực thi xây dựng. Nắm vững hiện trạng, điều kiện tự nhiên và các yếu tố xã hội khác của khu vực chằng chịt kênh rạch ở thành phố chúng ta đâu phải là chuyện dễ dàng cho đối tác nước ngoài khi họ vào nghiên cứu đầu tư. Tổ chức thi ý tưởng quy hoạch với nhiệm vụ thiết kế, gợi mở, linh hoạt, theo kiểu “chọn mặt gửi vàng” đầy phong phú và hấp dẫn giúp cho thành phố khá thuận lợi khi tiến hành chọn lọc phương án tốt để thực hiện. Điều ấn tượng nhất của ý đồ quy hoạch xây dựng nơi này là một đô thị sinh thái, phát triển đồng bộ, bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa môi trường tự nhiên và nhân tạo, góp phần tạo lập bộ mặt mới cho một đô thị hiện đại vì cảnh quan kiến trúc hấp dẫn.
Phú Mỹ Hưng đã tổ chức quản lý thực thi kế hoạch xây dựng một cách bài bản và nền nếp. Điều đó đã thể hiện qua sự chủ động soạn thảo, đưa vào sử dụng quy chế quy hoạch xây dựng tại khu A. Đồng thời nhanh chóng triển khai thiết kế đô thị 1/ 500 để có điều kiện thực thi các dự án giai đoạn một tại khu A. Ai cũng thấy hài lòng và tán thưởng vì Phú Mỹ Hưng đã bỏ ra biết bao công sức và tiền của để tạo lập các mảng xanh đô thị, trong đó không có ít công viên, vườn hoa, các kiểu trang trí bằng hoa kiểng sáng tạo như mô hình mới cho thành phố chúng ta. Nhờ phương thức quản lý tốt, Phú Mỹ Hưng đã tạo ra một bộ mặt khang trang, hiện đại cho một đô thị mới Nam Sài Gòn, một điển hình không riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh mà thực sự có ý nghĩa của Việt Nam.
Phú Mỹ Hưng hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của vùng đất phương Nam. |
Đi từ “không” đến “có”, phát triển mô hình hiện đại trên một vùng đầm lầy chua mặn, giá trị kinh tế thấp, vì thế để “thay da đổi thịt” và góp phần gia tăng an sinh xã hội của vùng đất Nhà Bè ngày nào chắc chắn là một hành trình không dễ dàng. Nếu không có tầm nhìn chiến lược, tâm huyết và kiên định với sự lựa chọn, thì có lẽ không thể có một một đô thị Phú Mỹ Hưng nên vóc thành hình, là mảng màu nổi bật thực chứng điển hình trong bức tranh phát triển đô thị của Việt Nam 3 thập kỷ qua cả về quy hoạch, hạ tầng, xây dựng, thiết kế, kinh doanh và vận hành; có sức thuyết minh, chứng tích hiệu quả của chiến lược kinh tế hướng ngoại trong xu thế toàn cầu hóa hội nhập kinh tế của Việt Nam sau khi non sông liền một dải.
Và thành quả của hành trình ấy, không chỉ tạo chốn đi về, nơi học tập, làm việc, giải trí, là quê hương của trăm quê hương; mà còn giúp bất kỳ ai hiểu phát triển đô thị để phục vụ con người và con người là chủ thể chi phối hoạt động này một cách thấu đáo và nhân văn biết bao.
Trong quy hoạch tổng thể Nam Sài Gòn, Công ty Phú Mỹ Hưng chịu trách nhiệm xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, kéo dài từ đường Huỳnh Tấn Phát đến Quốc lộ 1 A và phát triển 5 cụm đô thị dọc theo tuyến đường.
Hiện nay, Phú Mỹ Hưng tập trung khu phát triển khu A với tổng diện tích lên tới 409ha, chia thành 8 phân khu, trong đó có 5 khu dân cư và 3 khu chức năng tài chính thương mại dịch vụ giải trí.
Khu B - Khu làng đại học với diện tích tổng cộng là 95ha. Được thiết kế theo ý tưởng và kiến trúc từ các công trình hình thành cộng đồng tại khu vực thung lũng Silicon của California cùng hệ thống công viên khoa học của Đài Loan. Đây là khu chức năng tổng hợp chung dành cho dân cư, thương nghiệp, tổng hợp dịch vụ địa phương và hệ thống các công trình công cộng. Đây cũng là là một trong những khu vực có phân hiệu của trường RMIT - trường đại học nổi tiếng hàng đầu của Úc.
Khu C - Khu trung tâm kỹ thuật cao với diện tích tổng cộng là 46ha. Đây là khu vực tập trung rất nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao kết hợp với khu chức năng đa hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện cho các công dân sinh sống và làm việc.
Khu D - Khu trung tâm lưu thông hàng hóa II với diện tích tổng cộng là 85ha. Khu vực này nằm tại ngã ba sông Bến Lức với sông Cần Giuộc là trung tâm phân phối và lưu thông hàng hóa, nơi lưu trữ kho hàng công nghiệp và thực phẩm liên quan. Bên cạnh đó được tổng hợp thêm chức năng tổ hợp thương mại với khối dân cư, các công trình công cộng được thiết kế với diện tích trên 5ha để phục vụ cư dân.
Khu E - Trung tâm lưu thông hàng hóa 1 với tổng diện tích 115ha, có vị trí tại điểm giao của Quốc lộ 1A với khu đại lộ Nguyễn Văn Linh. Đây là khu tổng hợp của khu kho bãi công nghiệp kết hợp với khu trung chuyển hàng hóa và tổ hợp khu dân cư hỗn hợp. Khu E rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa theo cả 2 hướng đường thủy và đường bộ. Phần đất dành riêng cho các công trình công cộng chiếm khoảng 14ha.
Mai Thanh
Theo