Thứ năm 28/03/2024 23:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu

11:39 | 27/01/2021

(Xây dựng) – Trước những hiểm họa về biến đổi khí hậu và đô thị hóa, các giải pháp tằng cường khả năng chống chịu cho đô thị Việt Nam đã được xây dựng theo hướng phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro một cách tối đa.

phong ngua va giam thieu rui ro trong boi canh do thi hoa nhanh va bien doi khi hau
Ngập lụt tại Sơn La do ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đô thị hóa

Biến đổi khí hậu đang trở nên khắc nghiệt, gây ra hàng loạt các hiện tượng thiên tai cực đoan. Năm 2020, Việt Nam hứng chịu trực tiếp 7 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới vào tháng 10. Ngoài ra còn có mưa đá, sạt lở đất, triều cường, lũ lụt…làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, không chỉ có biến đổi khí hậu mới gây ra hiểm họa về thiên tai. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, quá trình đô thị hóa quá nhanh cũng là một nguyên nhân gây ra thiên tai. Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh với tỉ lệ khoảng 40%. Điều này gây ra sự quá tải về giao thông, y tế, môi trường, giáo dục, hạ tầng đô thị. Đô thị hóa dẫn đến quá trình bê tông hóa, san lấp bê tông quá mức, giảm diện tích bề mặt thấm và trữ nước tự nhiên, quá tải hệ thống thoát nước và xử lý rác thải; gây sụt lún đất và làm tăng mức ngập tại các vùng trũng thấp.

Cụ thể, tại Sơn La, quá trình đô thị hóa từ năm 2000 đến năm 2020 có nhiều chuyển biến. Dân cư đô thị tăng 131,5%, đất ở 247%, đất chuyên dụng 148,5%, đất cây xanh 901,4%, trong khi đó, đất nông nghiệp và đất mặt nước lại có xu hướng giảm mạnh, đất nông nghiệp giảm 93,8%, đất mặt nước giảm 27,9%. Bên cạnh biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa mạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những hiểm họa về thiên tai.

Tại tỉnh Sơn La, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên với 12 trận lũ lụt lớn trong vòng 30 năm qua, gây ngập lụt toàn bộ khu vực trung tâm thành phố dọc theo dòng suối Nậm La trong nhiều ngày. Lượng mưa một ngày và lượng mưa trung bình có xu thế tăng và có diễn biến cực đoan.

Hiểm họa về thiên tai đã gây thiệt hại trực tiếp về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, cây cối, hoa màu; đình trệ hoạt động kinh doanh, sản xuất; các vấn đề về vệ sinh, môi trường, sức khỏe người dân.

Diện tích đất nông nghiệp và đất mặt nước giảm đã khiến cho hệ thống thoát nước bị quá tải, giảm khả năng lưu trữ, thoát nước tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng xâm lấn, thu hẹp dòng chảy, xả rác và nước thải vào hệ thống thoát nước do hoạt động xây dựng cũng là yếu tố gây ra ngập lụt.

Giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro

Trước những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu cũng như tốc độ độ thị hóa nhanh, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp tăng cường khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam.

TS. Vũ Cảnh Toàn - Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội (ISET) cho biết, cách tiếp cận xây dựng khả năng chống chịu hiện tại của các địa phương chưa hiệu quả, thiếu tính linh hoạt.

Ví dụ như ở tỉnh Sơn La, tỉnh tập trung vào kiểm soát ngập lụt và không có những giải pháp tăng cường khả năng chống chịu lâu dài. Giải pháp chủ yếu dựa trên các thông số cố định và dữ liệu lịch sử, tính dự báo chưa cao khiến cho tình trạng ngập lụt trong đô thị không được giải quyết triệt để.

Theo ông Toàn, cách tiếp cận xây dựng khả năng chống chịu cần có sự đổi mới để có thể giải quyết vấn đề mà các địa phương đang gặp phải. Các địa phương nên có sự phân tích vấn đề một cách toàn diện, có tính hệ thống, tính tới nhiều kịch bán khác nhau và các tính huống bất thường có thể xảy ra, không nên chỉ tính để một kịch bản duy nhất. Thay vì tập trung vào kiểm soát rủi ro, các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu cho đô thị sẽ chủ yếu hướng đến phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro sao cho thiệt hại luôn ở mức thấp nhất.

Cụ thể, về vấn đề thoát nước đô thị, TS. Vũ Cảnh Toàn cho rằng mưa cực đoan, mưa bất thường xảy ra sẽ có lượng mưa cao hơn thông số thực tế, nếu không có giải pháp phòng ngừa thì tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài. Do vậy, theo ông Toàn, không nên chỉ tập trung vào hệ thống tầng cứng thoát nước như cống, kênh bê tông mà nên giải quyết 7 phần lượng mưa cần thoát, 3 phần còn lại áp dụng các giải pháp hạ tầng xanh như hồ điều hòa, tuyến phố, công viên trữ nước tạm thời.

Đồng thời, TS. Trần Văn Giải Phóng, cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SECO) cũng đã chỉ ra mô hình ngập lụt cho quy hoạch đô thị. Mô hình này được coi là công cụ phòng ngừa và quản lý rủi ro trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu, tiến hành mô phỏng lũ dựa trên mô hình Mike Flood trên cơ sở tích hợp mô hình 1 chiều trên hệ thống sông Mike. Mô hình ngập lụt đang được thực hiện tại Đà Nẵng để giải quyết tình hình ngập lụt trong đô thị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu thêm một số giải pháp về xây dựng nhà có khả năng chống chịu bão, nhà chống lũ, cảnh báo lũ sớm…Các giải pháp này sẽ góp phần phát triển đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh hiện nay.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load