An toàn để hạ cánh an toàn. An toàn để 'trụ hạng", an toàn để thăng tiến… Có "đi" thì mới có "vấp" và để "an toàn là trên hết" thì họ "ngồi yên là… thượng sách".
Trong thông điệp tại lễ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 nội dung sẽ tập trung điều hành khi nhận nhiệm vụ. Trong số những nội dung quan trọng, người viết bài này đặc biệt quan tâm đến thông điệp phòng chống tham nhũng đi đôi với bảo vệ cán bộ.
Trong diễn văn, Thủ tướng cho biết: "Lãnh đạo Chính phủ tuyên ngôn chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".
Có thể thấy đối với phòng chống tham nhũng, phát huy thành công từ nhiệm kỳ trước, Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục tỏ rõ thái độ quyết liệt, mà nói như ngôn ngữ báo chí, "lò" sẽ tiếp tục nóng bỏng "bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn".
Về nội dung khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đây là điều ông Chính từng trăn trở. Từ khi còn làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã nói: "Siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương rồi nhưng người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ. Chúng ta cố gắng chúng ta làm".
Nhớ lại nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về cái mà ông gọi là "văn hóa không nhúc nhích", "virus trì trệ" đã và đang xuất hiện trong một số cơ quan quản lý nhà nước.
Lý do thì có nhiều như "tư duy nhiệm kỳ", năng lực điều hành yếu kém, bệnh lười biếng… trong đó, không thể không kể đến phương châm "an toàn là trên hết" ở một số cán bộ lãnh đạo.
An toàn để hạ cánh an toàn. An toàn để 'trụ hạng", an toàn để thăng tiến… Có "đi" thì mới có "vấp" và để "an toàn là trên hết" thì họ "ngồi yên là… thượng sách".
Công bằng, những lo ngại của họ không phải không có cơ sở bởi thực tế nhiều khi "có làm thì có sai", khi thành thì vỗ tay tập thể, công sức của chung nhưng khi thất bại thì "trăm dâu đổ đầu tằm", một mình gánh chịu. Nhất là với những vấn đề mới, việc làm mới chưa từng có tiền lệ.
Thực tế cho thấy mỗi vi phạm, tổn thất không chỉ là tiền bạc, là niềm tin của nhân dân mà còn là mất mát không nhỏ đối với công tác cán bộ. Có thể chỉ vì một quyết định sai lầm (ở đời, mấy ai không mắc sai lầm) mà sự nghiệp xây dựng bao năm tan thành mây khói. Cơ quan, tập thể mất đi một năng lực không dễ kiếm tìm…
Vậy thì làm thế nào để bảo vệ những cán bộ "3 dám" như đã nói ở trên? Qua hành động, lời nói của Thủ tướng, người viết bài này nhận thấy ít nhất cần có ba yếu tố.
Thứ nhất là tính tự thân, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cá nhân, đặc biệt là biết trọng danh dự như lời của TBT Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ngày 28.11. 2020: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất... Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức".
Thứ hai, đó là cơ chế quản lý và giám sát. Cần có một hành lang pháp lý để hạn chế thấp nhất những rủi ro đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa trước khi vụ việc xảy ra. Tiếc rằng đây là hai khâu chúng ta còn chưa đủ mạnh.
Thứ ba, cần phải có cơ chế hợp lý, hợp tình để xử lý đối với những sai phạm không có động cơ cá nhân, không vụ lợi… nhất là đối với những cái mới, cái chưa có tiền lệ.
Chỉ có làm như vậy mới khuyến khích được tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từng bước xóa dần tư tưởng "an toàn là trên hết".
Theo Bùi Hoàng Tám/Dantri.com.vn