Thứ bảy 15/02/2025 08:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khơi thông mọi nguồn lực, quyết tâm tăng trưởng 8%

19:36 | 14/02/2025

Để đạt mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức 8% vào năm 2025, Chính phủ xác định cần có giải pháp đồng bộ, tập trung vào đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và khơi thông các động lực tăng trưởng mới.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khơi thông mọi nguồn lực, quyết tâm tăng trưởng 8%
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bình Định, Hà Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại phiên Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh vẫn còn dư địa để thực hiện và chỉ ra những giải pháp trọng tâm của Chính phủ.

Giải pháp toàn diện

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã họp và đưa ra các giải pháp cụ thể. Trước đó, năm 2024 mặc dù gặp nhiều khó khăn thiên tai, tình hình kinh tế thế giới bất ổn và giải ngân đầu tư công chậm, song tăng trưởng đã đạt mức ấn tượng 7,09% và vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng chưa khai thác.

"Cho nên, dư địa vẫn còn và có thể phát huy, khơi dậy để thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 đạt được 8% trở lên," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, động lực tăng trưởng chính dựa vào bốn yếu tố: sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Do đó, chúng ta cần thúc đẩy sản xuất phát triển, kích cầu tiêu dùng thông qua thu hút du lịch và đầu tư. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng nhất là đầu tư và xuất khẩu, trong đó đầu tư công đóng vai trò then chốt.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, đầu tư công liên tục được tăng cường trong những năm gần đây và năm 2025, đầu tư công dự kiến tăng thêm 108.000 tỷ đồng so với năm 2024, cộng với nguồn vượt thu ngân sách.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ ra động lực tăng trưởng chính dựa vào bốn yếu tố: sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

“Như vậy, có khoảng trên 158.000 tỷ đồng sẽ bổ sung vào đầu tư của năm 2025, theo đó đầu tư của cả năm sẽ đạt xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng, nguồn vốn này sẽ tạo động lực để thu hút đầu tư khu vực tư nhân và các nguồn vốn khác,” Phó Thủ tướng chỉ ra.

Để đạt hiệu quả cao nhất, theo Phó Thủ tướng, các dự án cần triển khai và giải ngân nhanh chóng, đưa được dự án vào bàn giao sản xuất và sử dụng phát huy hiệu quả. Điều này sẽ giúp quay vòng vốn và thu hút được nguồn lực rất lớn để phát triển. Thêm vào đó, Chính phủ chủ trương đầu tư mạnh vào hạ tầng, phấn đấu đạt thêm 1.000 km đường bộ từ đó nâng tổng số lên 3.000 km trong năm 2025 và đạt 5.000 km vào năm 2030.

Về đường sắt, Chính phủ tập trung vào tuyến đường sắt Bắc-Nam với vốn đầu tư dự kiến 67 tỷ USD, nối liền Bắc-Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau. Ở phía Nam, chúng ta sẽ thúc đẩy tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, kết nối với các cảng. Ở phía Bắc, chúng ta sẽ xây dựng ba tuyến đường sắt cao tốc kết nối với Trung Quốc: Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Như vậy, hàng hóa sẽ chu chuyển rất thuận lợi đi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khơi thông mọi nguồn lực, quyết tâm tăng trưởng 8%
Chính phủ tập trung vào tuyến đường sắt Bắc-Nam với vốn đầu tư dự kiến 67 tỷ USD, nối liền Bắc-Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau. (Ảnh: Vietnam+)

Đầu tư tư nhân: "Chìa khóa" tăng trưởng bền vững

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đầu tư tư nhân: “Bên cạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân là cực kỳ quan trọng.” Ông dẫn chứng các lĩnh vực tiềm năng như điện gió, điện mặt trời, thủy điện với các hình thức đầu tư BOT, BT… Phó Thủ tướng chỉ ra việc khơi dậy nguồn lực đầu tư tư nhân, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các công trình sẽ thúc đẩy sự phát triển.

Thêm vào đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định nợ công của Việt Nam hiện ở mức 37%, trong ngưỡng an toàn so với mức 60% mà Quốc hội giao. Ông cũng cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, nợ công đã giảm từ 44,3% năm 2021 xuống 37% năm 2024.

Về xuất nhập khẩu, nhấn mạnh sự phụ thuộc vào một số thị trường, Phó Thủ tướng cho rằng cần nỗ lực mở rộng thị trường mới và giữ vững thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Ông chỉ ra kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn trên GDP (khoảng 66%), do vậy ổn định thị trường xuất nhập khẩu là yếu tố then chốt.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Ông khẳng định các quốc gia muốn phát triển đều phải thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Cụ thể, việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu số, áp dụng AI, blockchain, điện toán đám mây, internet vạn vật là những công cụ quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh tế và nâng cao năng suất lao động.

Phó Thủ tướng khẳng định chính phủ cũng đã tính toán rất kỹ những vấn đề này, và cho rằng "nếu nhà nhà cùng làm, người người cùng làm, ngành ngành cùng làm và các thành phần kinh tế đều nỗ lực làm, tất cả cùng hành động tạo xung lực thì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra"./.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khơi thông mọi nguồn lực, quyết tâm tăng trưởng 8%
Phó Thủ tướng chỉ ra kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn trên GDP (khoảng 66%), do vậy ổn định thị trường xuất nhập khẩu là yếu tố then chốt. (Ảnh: Vietnam+)

Niềm tin thị trường và sự đồng thuận xã hội

Để tạo thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) đồng tình việc Chính phủ trình đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên. Điều này rất cần thiết khi nguy cơ tụt hậu hiện hữu, chúng ta cần tăng tốc phát triển kinh tế hơn nữa.

Chia sẻ về 5 nhóm giải pháp của Chính phủ để đạt được mục tiêu trên, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng đây là những giải pháp cơ bản, đồng bộ cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu bổ sung ý kiến việc tạo lập niềm tin của thị trường là rất cần thiết. Khi doanh nghiệp, người dân có niềm tin vào thị trường, họ sẽ đầu tư, mua sắm, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì thế, dự thảo đề án cần nghiên cứu bổ sung thêm một giải pháp phát triển toàn diện thị trường hàng hóa dịch vụ, vốn, khoa học công nghệ, bất động sản, lao động.

“Như vậy, chúng ta mới có thể tạo ra xã hội mà ở đó, người dân, doanh nghiệp tin tưởng đầu tư,” đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh khi doanh nghiệp, người dân có niềm tin vào thị trường, họ sẽ đầu tư, mua sắm, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong dự thảo đề án trình Quốc hội, Chính phủ cũng đề cập việc kêu gọi chiến sĩ, đồng bào cả nước chung sức đồng lòng thực hiện mục tiêu quan trọng này. Trên tinh thần đó, đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu, đồng lòng thực hiện, qua đó kêu gọi, tạo sự đồng thuận trong xã hội để hướng đến mục tiêu tăng trưởng này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ sự nhất trí cao về các đề xuất cũng như giải pháp của Chính phủ để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để bước vào Kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đại biểu, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026)

Phân tích từng giải pháp trong 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy đầu tư công là rất quan trọng. Vì thế, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng đạt 8% này thì các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ hơn nữa để triển khai thực hiện.

Chia sẻ thêm về các động lực tăng trưởng mới, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…có ý nghĩa rất quan trọng.

“Việc thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, chú trọng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp nền kinh tế nước ta tiến kịp và tăng tốc so với các nền kinh tế trong khu vực,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% có nhiều thách thức. Bởi năm 2024 tăng 7,09% dựa trên nền 5,05% (năm 2023) là một bước dễ hơn, còn năm 2025 tăng trưởng 8% trên nền 7,09 là rất khó. Thách thức khác là năm 2025, tiến hành đồng thời nhiều nhiệm vụ lớn như Đại hội Đảng, tập trung nguồn lực, thời gian, trí tuệ vào, phân tán công sức, cùng với tổ chức bộ máy không thể trơn tru ngay được. Thêm với đó, hàng loạt các công việc, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2026 và 2026-2030.

Chính vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, bắt buộc chúng ta phải dồn mọi sức lực vào, vượt qua khó khăn, thể hiện sự quyết tâm “Vừa qua, Chính phủ có Nghị quyết 25/NQ-CP giao chỉ tiêu tăng trưởng, mỗi địa phương, mỗi địa phương phải tăng trưởng bao nhiêu, mỗi ngành phải hành động gì.

“Nếu tất cả cùng hành động tạo xung lực, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra,” đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đồng tình với các giải pháp đã được chỉ ra, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh thêm cần tháo gỡ rào cản, tháo gỡ về thể chế, hỗ trợ cho đầu tư tư nhân, giúp khu vực tư nhân phục hồi nhanh. Về đầu tư công giữa 2024-2025, ông cho rằng không nên dừng lại đầu tư cho hạ tầng mà phải đầu tư cho sản xuất. Thúc đẩy tháo gỡ và phát triển về thị trường bất động sản. Về xuất khẩu, phải chú trọng đến cán cân thương mại, đại biểu nêu liệu có hay không việc nhập vào rồi chạy qua sang các nước, cần kiểm soát chặt chẽ tránh để xảy ra đội lốt thương mại.

“Cần quyết liệt thực hiện Nghị quyết của Chính phủ giao chỉ tiêu các ngành, lĩnh vực, các địa phương nếu xắn tay vào sẽ đạt được mục tiêu,” đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh./.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khơi thông mọi nguồn lực, quyết tâm tăng trưởng 8%
Chính phủ có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu, đồng lòng thực hiện, qua đó kêu gọi, tạo sự đồng thuận trong xã hội để hướng đến mục tiêu tăng trưởng này. (Ạnh: Vietnam+)

Theo Quảng-Hạnh/Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load