(Xây dựng) - Từ Nhà máy Xi măng Hải Phòng - nhà máy xi măng duy nhất ở Đông Dương thời thuộc địa, sau kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, ngành Xi măng Việt Nam phát triển lớn mạnh, mở rộng quy mô, nâng cao công suất, góp phần đắc lực vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 30/5/1957, Nhà máy Xi măng Hải Phòng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đã dành tình cảm thắm thiết, động viên, ân cần căn dặn cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng như ngành Xi măng Việt Nam phải tự hào và ý thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; khắc phục mọi khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần tiến tới xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, làm cho “tiền đồ của nước nhà vẻ vang”.
65 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Xi măng luôn nêu cao tinh thần thi đua ái quốc, trung dũng, đoàn kết, kiên cường, nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo đạt thành tựu, phát triển to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, hơn 35 năm đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang, khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực đề ra nhiều sáng kiến, tìm kiếm giải pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngành Xi măng đã có bước chuyển to lớn, đồng hành với tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, thể hiện trên các mặt nổi bật sau đây:
Đó là sự thích ứng nhanh chóng, hiệu quả, năng động với cơ chế thị trường, đưa ngành Xi măng từng bước vươn lên, tạo nền tảng vững chắc của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam, góp phần tích cực vào việc phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật của nền kinh tế, đẩy mạnh đô thị hoá, CNH, HĐH trên phạm vi cả nước.
Đó là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, thành công mô hình tổ chức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng quản trị hiện đại.
Đó là sự thay đổi mạnh mẽ, đột phá, từ chỗ áp dụng chủ yếu công nghệ, thiết bị cũ, sang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, hiện đại. Nhiều dự án đã tận dụng nguồn chất thải như tro, xỉ, thạch cao, rác thải… làm nguyên, nhiên liệu, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Ngành Xi măng đang đẩy nhanh quá trình số hóa trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất lao động; tích cực triển khai các phương thức sản xuất theo hướng sạch, xanh, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành Xi măng Việt Nam tự đổi mới, hoàn thiện, vươn lên đạt thành quả đáng tự hào, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Công suất toàn ngành tăng từ 4,4 triệu tấn/năm những năm đầu đổi mới lên 107 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong Top 5 nước đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga).
Ngành đang cung cấp và đảm bảo nhiều việc làm cho người lao động, có nhiều đóng góp trong nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Các DN xi măng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tích cực đổi mới và tái cơ cấu; thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đặc biệt, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc, tập thể cán bộ, người lao động ngành Xi măng đã tổ chức nhiều đợt tự nguyện trích một phần thu nhập để ủng hộ các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình công nhân khó khăn. Các DN ngành Xi măng, tiêu biểu là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), đã ủng hộ hàng chục nghìn tấn xi măng, để tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, làm đường xây dựng nông thôn mới; thể hiện tình cảm, trách nhiệm xã hội cao.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), với truyền thống tự hào gắn liền với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ tài năng trưởng thành, nắm giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương, hiện là DN số một của ngành Xi măng Việt Nam, có quy mô sản xuất lớn nhất nước và hàng đầu Đông Nam Á.
Đạt được thành tựu to lớn trên là nhờ các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công nhân lao động toàn ngành Xi măng hơn 65 năm qua đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, đột phá và sáng tạo.
Đó là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được toàn ngành Xi măng quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua thiết thực, chăm lo cuộc sống cho người lao động.
Ghi nhận, tôn vinh thành tựu cùng bước chuyển quan trọng của ngành Xi măng Việt Nam cùng Tổng công ty Xi măng Việt Nam và nhiều đơn vị thành viên, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tiềm năng phát triển của ngành Xi măng còn rất lớn. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương: Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; mở ra một hướng đi mới, mang tính đột phá đối với sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao; tình trạng “cung” vượt “cầu”; xu hướng chuyển dịch từ sản phẩm xi măng đóng bao sang xi măng rời khiến cho các sản phẩm truyền thống, như sản phẩm mang thương hiệu VICEM giảm dần lợi thế.
Toàn ngành Xi măng Việt Nam phải thật sự đổi mới, tư duy phát triển, nhận thức đầy đủ, sâu sắc, vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Để tiếp tục phát triển và thành công, ngành Xi măng Việt Nam cần chú ý đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cơ cấu ngành; đổi mới công nghệ và mô hình quản trị DN theo hướng hiện đại; phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động, theo hướng ưu tiên phát triển DN quy mô lớn, công nghệ hiện đại...
Đối với các DN Nhà nước, đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là lộ trình cổ phần hoá; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại DN không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu tài chính và đầu tư có hiệu quả; có phương án hợp lý để giải quyết vấn đề nhà đất sau cổ phần hoá để bảo toàn và phát triển tài sản, vốn Nhà nước giao. Tôi đánh giá cao việc Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, đổi mới mô hình tổ chức, theo đó: Công ty mẹ - VICEM giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng.
Thứ hai, nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; nghiên cứu sản xuất và cung cấp dòng sản phẩm mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phân bố các cơ sở sản xuất phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang thị trường lớn, thị trường các nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao.
Thứ ba, xây dựng hình ảnh một ngành công nghiệp xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng; sử dụng chất thải của các ngành công nghiệp khác thay thế nguyên, nhiên liệu khai thác từ tự nhiên, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.
Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa một số hoạt động chưa tự động hóa; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Thứ năm, tiếp tục phát triển Tổng công ty Xi măng Việt Nam là DN trụ cột, hàng đầu của ngành Xi măng Việt Nam, với quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh, đi đầu trong bảo vệ môi trường; giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong điều tiết, bình ổn thị trường và định hướng ngành Xi măng phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Là một DN Nhà nước lớn, tôi đề nghị các đồng chí cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nhất là củng cố tổ chức, kiện toàn các cấp uỷ Đảng và phát triển đảng viên mới. Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang đã qua, phát huy truyền thống 65 năm thực hiện lời Bác Hồ dạy, chúng ta tin tưởng rằng VICEM sẽ vươn tầm mạnh mẽ, đạt tới những đỉnh cao phát triển mới, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong nền công nghiệp xi măng Việt Nam.v
---------------------
(*) Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
GT.TS Nguyễn Xuân Thắng (*)
Theo