(Xây dựng) - Năm 2022, thành phố Ninh Bình vinh dự đón nhận Quyết định công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) của Thủ tướng Chính phủ. Là “hạt nhân” trọng tâm phát triển của cả tỉnh, thành phố Ninh Bình đặc biệt chú trọng đến phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ nâng cao thu nhập cho người dân trên con đường hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM ở thành phố Ninh Bình. |
Trao đổi với PV về những thay đổi rõ rệt nhất trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ trong hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, ông Bùi Khắc Nhân - Chánh văn phòng UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Về sản xuất nông nghiệp: Thành phố Ninh Bình có diện tích gieo trồng cây hàng năm là 2.083ha, trong đó diện tích trồng lúa là 1.638ha, diện tích rau màu các loại 445ha; năng suất lúa cả năm đạt 56 tạ/ha; sản lượng đạt 9.165 tấn. Trên địa bàn các xã đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi mạnh cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Định hướng cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, chuyển từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thuần túy sang làm dịch vụ du lịch; tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thân thiện môi trường.
Một số mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như: Mô hình nuôi ốc bươu, mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá, từng bước xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, thực hiện đề án sản xuất hoa và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa chất lượng cao, mô hình sản xuất rau an toàn... Trong đó, diện tích sản xuất rau màu cho thu nhập từ 200-320 triệu đồng/ha/năm; diện tích sản xuất hoa cho thu nhập từ 380-830 triệu đồng/ha/năm.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ: Trên địa bàn thành phố phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình kinh doanh, chất lượng hàng hóa dịch vụ được nâng cao. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, đúng định hướng đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Cụ thể như: UBND xã Ninh Nhất đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn xã; tổ chức khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn xã. Đến nay có 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ theo mô hình du lịch homestay hoạt động ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hay một số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn xã Ninh Tiến phát triển khá, tập trung vào các lĩnh vực như: Cơ khí, dịch vụ thương mại, máy gia công…, đã tạo nhiều việc làm cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn xã có 40 đơn vị doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thu hút 700 lao động mang lại mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Xã Ninh Phúc có 618 hộ kinh doanh dịch vụ, với 921 lao động. Thu nhập trung bình thường xuyên từ 5,5 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Khuyến khích phát triển các ngành nghề, mở rộng các loại hình dịch vụ, kinh doanh, thương mại, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế góp phần tăng nguồn thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Chính vì tập trung phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh nên thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố năm 2020 đạt 65 triệu đồng/người/năm, tăng 27 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt bình quân 56,0 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã chiếm 0,46%.
Cùng với đó, thành phố rất quan tâm đến việc phát triển các tổ chức sản xuất. Trên địa bàn 3 xã có 11 hợp tác xã (HTX) hoạt động sản xuất thực phẩm xanh, dược liệu, hoa, đặc sản địa phương… Đến nay, các HTX đều hoạt động có hiệu quả, doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp đạt trên 220 triệu đồng.
Thành phố Ninh Bình tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, gắn với các tiêu chí xây dựng đô thị. |
Không những thế, trên địa bàn thành phố Ninh Bình còn có 5 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng bao gồm: Xã Ninh Nhất 1 sản phẩm hạng 3 sao: Tinh bột sắn dây và 1 sản phẩm hạng 4 sao: Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn; xã Ninh Tiến có 1 sản phẩm hạng 3 sao: Trà hoa cúc của HTX RITI; xã Ninh Phúc có 1 sản phẩm hạng 3 sao: Hoa cúc vàng Ninh Phúc và trên địa bàn phường Ninh Khánh có 1 sản phẩm hạng 4 sao: Cơm cháy Cố Đô.
Đại diện lãnh đạo thành phố Ninh Bình cho biết: Định hướng của thành phố là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, gắn với các tiêu chí xây dựng đô thị. Chú trọng phát triển sản xuất hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để pháp triển nông nghiệp bền vững; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn kết giữa đô thị với nông thôn, từng bước đồng bộ và hiện đại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, gắn quy hoạch nông thôn mới với quy hoạch phát triển đô thị, môi trường sinh thái được bảo vệ, hướng tới phát triển theo hướng bền vững và không ngừng nâng cao thu nhập đời sống của nhân dân, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Anh Tú
Theo