(Xây dựng) - Đến nay, NƠXH dành cho công nhân KCN (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh KCN) đã hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích 2.580.000 m2, đáp ứng chỗ ở cho 330 nghìn người lao động, đạt 39% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020. Thực tế triển khai còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.
Nhà ở công nhân tại thành phố Hải Phòng. |
Phát triển nhà ở công nhân - nhiệm vụ trọng tâm
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời ban hành đầy đủ hành lang pháp lý, pháp luật có liên quan để phát triển loại hình nhà ở này.
Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị được Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện như: Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn phát triển NƠXH, trong đó có nhà công nhân KCN: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp đẩy mạnh phát triển NƠXH, đặc biệt NƠXH dành cho công nhân lao động KCN: Chỉ thị số 03/CT-TT ngày 25/01/2017; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/01/2021…
Nhà ở công nhân còn thiếu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Nhà ở dành cho công nhân đang khó khăn, còn quá ít, trong khi nhà ở thương mại cho người giàu có thì nhiều. Chúng ta phải điều chỉnh cơ chế để dành nhiều nguồn lực làm nhà ở cho công nhân.
Mới đây, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch và ngân sách Nhà nước của Quốc hội, vấn đề nhà ở công nhân trong bối cảnh đại dịch được nhiều đại biểu Quốc hội đưa vào nghị trường, thảo luận, kiến nghị.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Đại biểu Hà Nội: Dịch bệnh phát lộ đầy đủ hơn vấn đề vốn bức xúc của công nhân lao động, đó là nhà ở. Số đông công nhân lao động di cư đang phải ở trong khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao. Thu nhập của người công nhân cơ bản chỉ đủ để trang trải cuộc sống; họ tích lũy được rất ít.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 4/2021, cả nước có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 119,9 ngàn héc-ta; trong đó, có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 85,2 ngàn héc-ta và 106 KCN đang xây dựng với tổng diện tích 34,7 ngàn héc-ta. Tính đến năm 2020, cả nước có 2,7 triệu công nhân KCN, trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.
Đến nay, NƠXH dành cho công nhân KCN (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh KCN) đã hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích 2.580.000 m2, đáp ứng chỗ ở cho 330 nghìn người lao động, đạt 39% mục tiêu về nhà ở công nhân KCN đến năm 2020; đang tiếp tục triển khai 98 dự án với tổng diện tích 6,4 triệu m2.
Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất 600 ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích 250 ha; đang triển khai 98 dự án với diện tích 350 ha.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, so với nhu cầu, nguồn cung về nhà ở cho công nhân hiện nay chỉ như muối bỏ biển. TP Hà Nội hoàn thành 5 dự án, đáp ứng chỗ ở cho 47 nghìn công nhân; TP.HCM có 11 dự án, đáp ứng chỗ ở cho 22 nghìn công nhân; TP Đà Nẵng có 2 dự án, đáp ứng 2 nghìn công nhân; tỉnh Quảng Ninh có 2 dự án, đáp ứng khoảng 5.400 công nhân; tỉnh Bắc Ninh có 5 dự án, đáp ứng chỗ ở cho 10 nghìn công nhân; tỉnh Bình Dương có 8 dự án, đáp ứng chỗ ở cho 25 nghìn công nhân; tỉnh Đồng Nai có 18 dự án, đáp ứng khoảng 37.000 công nhân...
Bất cập từ thực tiễn, chính sách chưa đủ mạnh
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút DN tham gia đầu tư NƠXH. Nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn DN đầu tư, vì vậy, bức thiết về nhà ở cho công nhân luôn nóng bỏng.
Chính sách nhà ở công nhân KCN đang lồng ghép vào chính sách NƠXH, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014; chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý KCN và khu kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NƠXH (trong đó có công nhân KCN) còn thiếu. Một số địa phương chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng KCN. Tiêu chuẩn nhà ở cho công nhân thuê cần xem xét lại phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Nhiều DN khẳng định, họ chưa mặn mà do thủ tục còn nhiều phức tạp. Luật Nhà ở năm 2014 quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án NƠXH (miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật...). Tuy nhiên, thực tế các ưu đãi này chủ đầu tư hầu như không được thụ hưởng vì không được tính vào giá thành NƠXH mà thực chất người dân, khách hàng được hưởng lợi.
Luật Nhà ở 2014 quy định chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH cho các hộ gia đình, cá nhân, không bán cho tổ chức nên DN, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong các KCN không thể đứng ra mua hoặc thuê NƠXH để bố trí cho người lao động của đơn vị mình, mặc dù có quy định DN được tính chi phí này là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập DN (Điều 59 Luật Nhà ở).
Luật Nhà ở 2014 quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Trên thực tế, có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, các căn hộ cho thuê để không, lãng phí trong khi chủ đầu tư không được bán (khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở).
Quy định về lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở cho công nhân KCN hiện còn bất cập: Trường hợp bố trí quỹ đất cho nhà ở công nhân ở ngoài KCN thì lựa chọn chủ đầu tư qua đấu giá, đấu thầu theo pháp luật đất đai, pháp luật đấu thầu; trường hợp bố trí quỹ đất trong KCN thì chỉ định chủ đầu tư theo pháp luật nhà ở. Theo quy định của Luật Nhà ở, nếu có từ 2 DN đủ điều kiện trở lên đăng ký tham gia thì việc chỉ định cho DN nào chưa được quy định.
Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NƠXH (trong đó có công nhân KCN) vẫn còn thiếu.
Cần chính sách riêng về nhà ở công nhân KCN
Theo Bộ Xây dựng, để phát triển nhà ở công nhân KCN, trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này, cụ thể là quy định ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án cần mang tính thực chất; sửa đổi pháp luật thuế; bổ sung hình thức bán nhà cho DN hoặc cho DN trong KCN thuê để DN cho công nhân của mình thuê lại…
Cần có quy hoạch tổng thể các KCN, xác định quy mô sử dụng lao động, quy hoạch phân khu nhà ở cho công nhân sử dụng ngân sách Nhà nước, xây dựng nhà chung cư gần với các KCN để bán trả góp, cho thuê gắn với hệ sinh thái từ trường học, bệnh viện và phương tiện công cộng để phục vụ cho gia đình công nhân. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi vốn, thúc đẩy loại hình nhà ở này phát triển…
Nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, trong thời điểm này, người lao động là động lực tăng trưởng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Hỗ trợ người lao động chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước. Giúp công nhân an cư lạc nghiệp góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại.
Huyền Hà
Theo