Thứ sáu 19/04/2024 22:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển kinh tế biển bền vững

14:06 | 09/03/2021

(Xây dựng) - Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú và đa dạng, tiềm năng phát triển kinh tế biển để làm giàu, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển là rất lớn.

phat trien kinh te bien ben vung
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Để phát triển kinh tế biển bền vững, trước hết, các hoạt động cần bảo đảm đạt được các chỉ tiêu tổng hợp, các mục tiêu về kinh tế biển, xã hội, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu cần tiếp tục "Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển", trên cơ sở "Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển".

Theo định hướng, sẽ có 6 ngành kinh tế biển được xác định theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; một số địa phương có biển chưa khai thác được lợi thế từ biển hoặc lợi ích mang lại chưa lớn, chưa thực sự bền vững. Nhiều ngành kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; lợi thế cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống cảng biển được quy hoạch nhưng thực hiện chưa tốt, nhất là cơ chế hợp tác vùng và giao thông kết nối, dẫn đến tình trạng mất cân đối, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, tăng chi phí và giảm hiệu quả kinh tế tổng thể; chưa xây dựng được thương cảng quốc tế và tập đoàn kinh tế mạnh về biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới; năng lực khám phá, chinh phục và khai thác các tài nguyên biển mới vẫn còn thấp. Việc khai thác các tài nguyên biển chủ yếu vẫn ở vùng ven biển, bờ biển và ở tầng nước mặt hoặc vùng nước nông; đời sống vật chất lẫn tinh thần của một bộ phận người dân vùng biển chưa bền vững.

Thực tiễn cho thấy, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam; các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển.

Hiện tại ngay trong cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của chúng ta vẫn cần phải bổ sung và và hoàn chỉnh một số nội dung. Theo đó, cách thức khai thác biển vẫn mới chỉ ở “đánh bắt ven bờ”, chưa vươn được ra biển khơi xa, chưa thể hiện tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. Thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại.

Trên thực tế, các khu kinh tế biển của Việt Nam cho đến nay, là sự lặp lại mô hình khu công nghiệp ở đất liền đem ra biển khi gắn thêm vào đó cảng biển. Cảng biển trở thành hạt nhân trong định hình các khu kinh tế biển, kéo theo đó là sự đầu tư rất lớn cho khu cảng. Cái cần thiết, đáng ra là định hình khu kinh tế, xây dựng đô thị để thu hút nguồn lực, con người, cơ chế thật tốt để khuyến khích đầu tư, khởi nghiệp thì nguồn lực bị phân tán vào công trình cảng, mà cả khi xây xong cũng không biết hàng hóa lấy ở đâu, chuyên chở đi đâu.

Sự dàn trải vốn đầu tư của Nhà nước và phân tán các nhà đầu tư khiến cho phát triển kinh tế biển của Việt Nam mới chỉ nằm ở dạng tiềm năng là chính.

Vì vậy, chúng ta cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế biển, trong đó, kinh tế biển cần phải đặt ở một tầm nhìn mới vào mô hình tăng trưởng mới theo phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền và tự do hóa thương mại.

Mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đưa ra phải hướng đến sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đồng hành với quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền và quyền chủ quyền biển, đảo của nước ta… Tất cả với mục tiêu phát triển biển bền vững, giữ biển trong lành cho nhiều thế hệ mai sau.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load