(Xây dựng) - Là một tỉnh miền núi kết nối thuận lợi với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, với trên 277 km đường biên giới, đặc điểm này đã mang lại cho Hà Giang lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ. |
Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước... Tỉnh là cửa ngõ phía Bắc, kết nối thuận lợi với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, với trên 277 km đường biên giới. Nơi đây sở hữu nhiều tiềm năng du lịch phong phú, danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử, trong đó nổi bật là du lịch trải nghiệm, sinh thái.
Lợi thế về vị trí và thắng cảnh cũng là những tiềm năng to lớn để tỉnh Hà Giang phát triển thương mại biên giới. Tuy nhiên, hạ tầng thương mại biên giới tại Hà Giang vẫn còn nhiều hạn chế bởi không ít khó khăn, thách thức vì địa hình đồi núi, hiểm trở, chia cắt, không gian phát triển hạn chế; nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, hạ tầng giao thông khó khăn...
Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023 đã xác định được vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, hạ tầng thương mại biên giới. Trong 3 khâu đột phá được đưa ra, việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số là khâu được chú trọng. Quy hoạch tỉnh Hà Giang cũng thể hiện rõ định hướng phát triển về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế.
Phát triển hạ tầng biên giới là điều quan trọng không chỉ giúp Hà Giang bứt phá, phát triển về kinh tế mà còn có sứ mệnh kết nối cho các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển.
Hiện nay, có 5 chợ biên giới đang hoạt động trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Giang (cả Việt Nam và Trung Quốc). Về phía Việt Nam, có 2 chợ đang hoạt động là chợ Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) và chợ thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), đều được thành lập tự phát do nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, thăm thân của cư dân hai bên biên giới.
Trong đó, chợ Xín Cái được họp theo tuần và bao gồm khoảng 200 - 300 người mỗi phiên, số lượng công dân Trung Quốc qua lại biên giới để vào chợ mỗi phiên trung bình khoảng 50 người. Chợ Phố Bảng gồm khoảng 300 - 350 người mỗi phiên họp theo tuần và có khoảng 50 công dân Trung Quốc qua lại biên giới để vào chợ mỗi phiên. Giấy tờ sử dụng qua lại biên giới của các công dân bao gồm sổ thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới; hộ chiếu.
Chợ phiên Phố Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh minh hoạ) |
Về phía Trung Quốc, có 3 chợ đang hoạt động là chợ Điền Bồng (Trung tâm trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), số lượng công dân Việt Nam qua biên giới để vào chợ phía bên kia khoảng từ 50 - 150 người mỗi tuần họp; Chợ Mã Púng (Tại trấn Đổng Cán, huyện Malypho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), có khoảng 120 người Việt Nam qua biên giới để vào chợ phía bên kia họp mỗi tuần; Chợ Mao Bình (Tại thôn Mao Bình, trấn Đô Long, huyện Mã Quan, Trung Quốc), có trung bình khoảng 350 - 400 người Việt Nam sang tham gia mua bán mỗi phiên họp vào thứ 7 hằng tuần, trong đó, có khoảng 80 thương nhân thường xuyên buôn bán kinh doanh.
Do điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang còn nhiều khó khăn, nên hệ thống chợ biên giới vẫn còn phát triển chưa đồng đều, có quy mô vừa và nhỏ, phục vụ mua, bán nhỏ lẻ của cư dân hai bên biên giới trong vùng; mặt hàng kinh doanh tại chợ chưa phong phú, chủ yếu là phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân hai bên biên giới, chưa có hoạt động giao thương lớn.
Hiện nay, các chợ biên giới hình thành vẫn chủ yếu là tự phát do nhu cầu mua, bán của người dân hai bên biên giới, mặc dù đều nằm trong quy hoạch của địa phương nhưng chưa có quyết định thành lập chợ và chưa có thỏa thuận thống nhất về đia điểm các cặp chợ theo quy định của Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tại đây cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại, cửa khẩu, trạm kiểm soát Biên phòng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn công dân hai bên tuân thủ các quy định của pháp luật tại cửa khẩu và quy định hoạt động trong khu vực biên giới.
Lê Trang
Theo