Thứ sáu 22/11/2024 04:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Pháp luật về phát triển thủy sản: Thách thức lớn từ thiếu quy hoạch không gian biển

17:41 | 26/08/2022

(Xây dựng) – Ngành nuôi trồng và đánh bắt, chế biến thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 4-5% GPD và chiếm từ 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển thủy sản còn nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu quy hoạch không gian biển.

Ngày 26/8, Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định” tại thành phố Đà Nẵng.

phap luat ve phat trien thuy san thach thuc lon tu thieu quy hoach khong gian bien
Toàn cảnh Hội thảo.

Mục tiêu tăng trưởng lớn, thực hiện nhiều khó khăn

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có 3.260km đường bờ biển và khu đặc quyền kinh tế diện tích 1 triệu km2, là quốc gia đầy tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 14-16 tỷ USD; giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động...

Mục tiêu đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, biển đảo Tổ quốc.

Về thách thức trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thủy sản, ông Trần Đình Luân cho biết, một số các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường, quy định về điều kiện truy xuất nguồn gốc nuôi trồng, vi phạm về phương tiện, giấy phép khai thác, thiết bị giám sát, khai thác, nhật ký khai thác, không thực hiện xin giao, thuê đất, mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản...

Mặt khác, các quy định của pháp luật còn thiếu, chưa đảm bảo tính phù hợp và khả thi khi trong thực tiễn. Tính pháp lý của đường ranh giới khai thác thủy sản trên biển, thẩm quyền và phương tiện xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư địa phương.

Tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực quản lý, công tác triển khai phối hợp triển khai các quy định pháp luật, thách thức yêu cầu khi hội nhập quốc tế cũng như nguồn kinh phí đầu tư cho quản lý hạ tầng, nuôi, chế biến khai thác thuỷ sản đều thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, các quy định bất cập trong thực tiễn triển khai về chỉ tiêu Nitơ, Phospho, Amoni trong nước thải chế biến quá cao so với thực tiễn sản xuất. Thủ tục hành chính về giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Giao, cho thuê đất, mặt nước, chuyển đổi mục đích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, gây khó khăn và phức tạp. Quy chuẩn không được quy định chi tiết về các điều kiện trong nuôi trồng, chế biến cũng gây khó khăn trong thực hiện.

Thiếu quy hoạch không gian biển

Các quy định còn thiếu quy định về quy hoạch không gian biển, xác định khu vực biển tại các đảo là tình trạng chung của các tỉnh, địa phương có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn.

Đơn cử như ở Khánh Hòa, có 385km bờ biển, trên 200 đảo lớn nhỏ, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 753 triệu USD, chiếm 8,3% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản dẫn đầu cả nước đạt 411 triệu USD, tăng 50,42% so với cùng kỳ năm trước.

Khánh Hòa cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoạt động gồm cả sản xuất con giống, nuôi thương phẩm tôm, cá công nghệ cao, thương hiệu và chất lượng thủy sản xuất khẩu được các quốc gia trên thế giới ghi nhận.

Dù vậy, tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng thể hiện rõ: Hiện nay, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đang trong quá trình xây dựng, chưa được phê duyệt để triển khai dẫn đến không thực hiện được việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân.

phap luat ve phat trien thuy san thach thuc lon tu thieu quy hoach khong gian bien
Xà lan phun thức ăn tự động công suất 250 tấn được Công ty Australis hạ thủy tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (đến từ Mỹ) chia sẻ: Doanh nghiệp đã đầu tư 200 triệu USD nuôi trồng thủy sản với diện tích 200ha trong vịnh Vân Phong. Hiện nay, Australis Việt Nam có nhu cầu gia tăng giá trị đầu tư lên 1 tỷ USD và quan tâm đến sự song hành giữa du lịch và nuôi trồng thủy sản. Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, nuôi trồng chế biến thủy sản kết hợp du lịch là mô hình kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới làm hiệu quả mà Việt Nam cần học hỏi. Quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm đến vấn đề này và chính quyền tỉnh cần tính đến các phương án chính sách đặc biệt, hành động nhanh khẩn trương để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đã kinh doanh tại chỗ tiếp tục đầu tư tỷ đô vào ngành Thủy hải sản Việt Nam.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, thực trạng về quy hoạch, giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản mới nhất chưa được phê duyệt, địa phương và ban ngành chưa đủ căn cứ để xây dựng quy hoạch phát triển theo nhóm ngành ưu tiên và lợi thế vùng miền. Các căn cứ để giao khu vực biển như quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chưa được ban hành. Việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức trong trường hợp xác định vị trí, diện tích, khu vực biển khi chưa có các quy hoạch có sự trùng lặp với yêu cầu phải lấy ý kiến trong quá trình thẩm định hồ sơ giao khu vực biển. Đó là khó khăn chính của tỉnh trong phát triển nuôi trồng thủy sản.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên nêu giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương phải rà soát, cập nhật các quy hoạch, đề án nuôi trồng thủy sản hiện có, đồng thời bổ sung một số vùng nuôi công nghệ cao trên bờ, nuôi công nghiệp vùng biển mở để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm căn cứ triển khai thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản kiến nghị: “Đối với Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần tổ chức triển khai đầy đủ các quy định về pháp luật đất đai để tháo gỡ các khó khăn trong việc Chứng nhận tính hợp pháp của đất, mặt nước dùng để nuôi trồng thủy sản. Rà soát thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện. Tổ chức rà soát đơn giản hóa thủ tục về giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường và triển khai thực hiện các quy định về giao khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Sớm trình Quy hoạch không gian biển quốc gia, xác định ranh giới khu vực biển tại các đảo”.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load