Thứ sáu 11/10/2024 20:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tăng cường liên kết là chìa khóa thành công với ngành ô tô

18:10 | 11/10/2024

(Xây dựng) - Nhìn từ thực tiễn triển khai Chương trình Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp Toyota Việt Nam thực hiện trong suốt 4 năm qua, có thể thấy, việc tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự phát triển.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tăng cường liên kết là chìa khóa thành công với ngành ô tô
Sản xuất linh kiện ô tô tại nhà máy của Thaco. (Ảnh minh họa)

Nhiều kết quả tích cực

Chương trình Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được Cục Công nghiệp và Công ty Toyota Việt Nam phối hợp triển khai từ năm 2020, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô.

Từ năm 2022, hai bên phối hợp thực hiện thêm một hoạt động mới là hỗ trợ cải tiến hoạt động cho một số doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất.

Cụ thể, Toyota Việt Nam đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại; cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Nhớ lại quãng thời gian trước thời điểm tháng 9/2022, khi được lựa chọn tham gia chương trình, ông Dương Minh Hải, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIM SEN cho biết, yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm linh kiện trong công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô ngày càng cao hơn để đáp ứng phát triển bền vững. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư về nguồn nhân lực, bao gồm cả năng lực tay nghề cũng như ý thức tuân thủ quy định. Tuy nhiên, đây là điều không đơn giản với KIM SEN cũng như nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

“Có những tiêu chuẩn kỹ thuật đơn giản, song chúng tôi hướng dẫn cho người lao động xong thì sau đó họ lại làm theo cách khác”, ông Hải nhớ lại. Tuy vậy, nhờ được lựa chọn tham gia chương trình, vướng mắc trên đã được giải quyết.

Theo đó, công ty đã loại bỏ các thao tác di chuyển, thao tác thừa của công nhân. Nhận thức và thói quen của người lao động cũng thay đổi. Toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty đã sẵn sàng đề nghị các ý tưởng cải tiến để nghiên cứu, áp dụng nâng cao năng suất chất lượng, giảm lãng phí, đến nay vẫn duy trì và hàng quý đều có đánh giá về các ý tưởng cải tiến, trao thưởng cho ý tưởng tốt.

Không những thế, chỉ trong 6 tháng được nhận hỗ trợ từ Chương trình, Công ty KIM SEN tiết kiệm diện tích nhà xưởng hơn 800 m2, năng suất tăng 15%, tồn kho các công đoạn giảm 28%... Doanh nghiệp cũng đã đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất; phối hợp với các trường đại học và chuyên gia nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực.

Tương tự, CNCTech Thăng Long cũng được lựa chọn tham gia Chương trình. Nhờ đó, hệ thống của CNCTech đã vận hành tinh gọn hơn, tối ưu hóa về nguồn lực con người, diện tích nhà xưởng, giảm tỷ lệ tồn kho. Ước tính, doanh nghiệp đã giảm lãng phí khoảng 800 triệu đồng/tháng so với trước đây. Quan trọng hơn, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long cho rằng, khi được Toyota đào tạo, ý thức của người lao động cũng như lãnh đạo doanh nghiệp đã có sự đổi mới, sẵn sàng thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, cung cấp linh kiện cho các công ty hàng đầu thế giới…

Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam nhằm năng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô.

Tăng liên kết hợp tác để cùng phát triển

Ông Keisuke Tokunaga, Giám đốc khối Chiến lược kinh doanh Toyota Việt Nam nhìn nhận, lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, bất lợi khiến ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là do sản lượng thấp, nguồn nguyên liệu chất lượng cao chưa có, buộc phải nhập khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế về mặt kinh nghiệm, năng lực quản trị sản xuất cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, chi phí và giao hàng.

Trong bối cảnh đó, triển khai chương trình hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Đại diện Toyota Việt Nam xác nhận, nhìn chung, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã có thay đổi rõ rệt về chất lượng, khi chuyển dần từ sản xuất linh kiện hàm lượng công nghệ thấp tiến lên nấc thang cao hơn, đáp ứng đòi hỏi của công nghiệp liên quan sản xuất các dòng xe mới.

Cùng với đó, trình độ quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp cũng nâng lên, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã áp dụng thành thục các tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Có những đơn vị đã giảm tồn kho tới 59%; tiết kiệm gần 4.000 m2 diện tích nhà xưởng, đồng nghĩa tiết kiệm chi phí; có đơn vị tăng năng suất tới 70%...

Hiện, Toyota là một trong những doanh nghiệp có số lượng nhà cung cấp nội địa nhiều nhất tại Việt Nam, với 13 nhà cung cấp nội địa trên tổng số 60 nhà cung cấp, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.

Tại lễ khởi động Chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp hỗ trợ năm 2024, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ cho biết, từ năm 2020 đến 2023, Chương trình đã triển khai đào tạo cải tiến sản xuất và tư vấn hiện trường cho hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng chuỗi sản xuất của Toyota Việt Nam. Thông qua Chương trình hợp tác này, Toyota đã sàng lọc và lựa chọn 7 nhà cung ứng tiềm năng.

Có thể nói, việc được tham gia chương trình là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam học hỏi, cải tiến các hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng; tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như mở ra cơ hội tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Và bởi thế, không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp cũng muốn được tham gia chương trình.

Hiện, chương trình đã bước sang năm thứ 4 và sẽ còn tiếp tục, theo mong muốn của Cục Công nghiệp cũng như Toyota Việt Nam. Đây được đánh giá là một trong những điển hình của mô hình liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với nhà sản xuất ô tô.

Rõ ràng, khi có sự liên kết tốt sẽ bảo đảm cơ chế, chính sách của Nhà nước kịp thời đến với doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận kinh nghiệm về quản trị cũng như công nghệ của thế giới, qua đó đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Việc nhân rộng mô hình này sang các lĩnh vực khác là rất cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, ngành công nghiệp nói chung phát triển.

Hoàng Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load