(Xây dựng) - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị đại biểu Người lao động Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Cơ quan Tập đoàn) năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2022, phương hướng thực hiện kế hoạch 2023 của Công ty mẹ - Tập đoàn và báo cáo của Công đoàn Cơ quan Tập đoàn về thực hiện quy chế chính sách, giám sát thực hiện chính sách đối với người lao động, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người lao động trong Cơ quan Tập đoàn.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Năm 2022 là năm thứ hai cả nước bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh với nhiều điểm sáng tích cực, dự báo tăng trưởng năm 2022 ở mức từ 7,5-8,0%.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công tác quản trị biến động đã được triển khai trong 3 năm gần đây (từ 2020) là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả hoạt động SXKD của toàn Tập đoàn, Công ty mẹ - Tập đoàn. Tập đoàn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ban, ngành, các Tổ chức đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan. Trong năm 2022, các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Tập đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD và tại các dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn.
Bài học kinh nghiệm từ triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó tác động kép từ năm 2020 đến nay đã giúp năm 2022 tiếp tục là năm thành công, thể hiện qua hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu đều hoàn thành về đích trước kế hoạch cả năm, một số kỷ lục được ghi nhận qua hơn 61 năm xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Các quy trình liên quan đến công tác quản trị doanh nghiệp, quy trình quản lý nội bộ đã cơ bản hoàn thiện; Đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật của Tập đoàn đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong đầu tư và vận hành các dự án/công trình/nhà máy với công nghệ cao; Công tác quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được tập trung ưu tiên hàng đầu; Giá dầu thô tiếp tục duy trì ở mức cao. Đặc biệt, khai thác dầu thô đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 20/10). Năm 2022 ước đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương với mức thực hiện năm 2021. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 924,6 nghìn tỷ đồng, vượt 66% kế hoạch năm và tăng 47% so với năm 2021. Đây là mức tổng doanh thu cao nhất của Tập đoàn đạt được kể từ khi thành lập đến nay. Nộp NSNN năm ước đạt 168,4 nghìn tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm và tăng 50% so với năm 2021 (112,5 nghìn tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 80 nghìn tỷ đồng, vượt 3,3 lần kế hoạch năm và tăng 60% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 51,7 nghìn tỷ đồng).
Với những biến động địa chính trị, kinh tế, thị trường chưa từng có, tác động nhanh, khó lường trong năm 2022 thì vai trò “là hạt nhân dẫn dắt, định hướng, điều hành” từ Công ty mẹ - Tập đoàn đối với tất cả các hoạt động của toàn Tập đoàn càng được thể hiện rõ nét, mang đậm dấu ấn sâu sắc trong tất cả những thành công toàn diện, ấn tượng chung của toàn Tập đoàn trong năm 2022.
Công tác quản trị biến động đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam đồng bộ từ Công ty mẹ tới tất cả các đơn vị thành viên; đặc biệt là quản trị biến động trong năm 2022 đã tạo nên những thành tích ấn tượng là động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Về chỉ tiêu sản xuất của Công ty mẹ - Tập đoàn, khai thác dầu dự kiến cả năm đạt 3,26 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch năm, tăng 1,0% với mức thực hiện năm 2021 (3,25 triệu tấn). Sản lượng khai thác khí dự kiến cả năm đạt 1,47 tỷ m3, vượt 27% kế hoạch năm, tăng 20% so với thực hiện năm 2021 (1,22 tỷ m3). Bao tiêu sản phẩm lọc dầu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến cả năm đạt 5,97 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ 2021. Sản xuất điện nhà máy điện (NMĐ) Sông Hậu 1 dự kiến cả năm đạt 2,98 tỷ kWh, bằng 54,5% kế hoạch năm. Sản lượng điện NMĐ Thái Bình 2 dự kiến cả năm đạt 458 triệu kWh. Tổng doanh thu ước đạt 216,8 nghìn tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch năm, tăng 62% so với năm 2021 (133,63 nghìn tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch năm, tăng 15% so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, Tập đoàn ghi nhận dấu mốc rất quan trọng với việc Luật Dầu khí sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023. Luật Dầu khí năm 2022, đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như phát triển năng lượng quốc gia.
Tại phần đối thoại, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cùng các đồng chí trong Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban Chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn đã trực tiếp đối thoại với người lao động Cơ quan Tập đoàn và trả lời những câu hỏi liên quan đến chế độ chính sách tiền lương, chế độ phúc lợi, xem xét mua gói bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho con em của cán bộ nhân viên… Đồng thời giải quyết các thắc mắc, ý kiến nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, phù hợp, an toàn để người lao động yên tâm công tác. Đại diện người lao động Cơ quan Tập đoàn cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào các báo cáo tại Hội nghị.
Theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, "Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện được "tái tạo kép", ưu tiên chọn tái tạo văn hóa đi trước tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Năm 2022, chúng ta đã thực hiện nhiều đầu việc mang tính chất nền tảng, đó là: Luật Dầu khí sửa đổi được Quốc hội thông qua, hệ thống quản trị được triển khai đồng bộ, tối ưu. Việc phân cấp phối hợp kiểm soát, quản trị biến động, quản trị theo chuỗi giá trị, tổ chức quản trị danh mục đầu tư, chuyển đổi số, công tác nghiên cứu khoa học trong toàn Tập đoàn, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai đồng bộ tái tạo văn hóa Petrovietnam... cũng được triển khai hiệu quả".
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng chỉ ra các tồn tại hạn chế về hệ thống quản trị, công tác đầu tư - giá trị giải ngân chưa cao, việc xử lý tồn đọng tại một số dự án...
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng mong muốn người lao động Cơ quan Tập đoàn phải luôn gương mẫu đi đầu, không ngừng "dưỡng thân, dưỡng trí, dưỡng khí" tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, gia tăng năng suất, luôn phối hợp, chia sẻ, tham mưu với lãnh đạo trong công việc. Cùng nhau xây dựng, giữ gìn hình ảnh, văn hóa Petrovietnam, phấn đấu thực hiện thành công 4 nền tảng “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình", quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD trong năm 2023.
Minh Châu
Theo